Mừng ngày đại lễ
Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội thì trong 10 ngày Đại lễ có hơn 300 buổi biểu diễn nghệ thuật của các Đoàn nghệ thuật trong nước và nước ngoài. Ngoài ra còn có hàng trăm cuộc biểu diễn nghệ thuật của các quận, huyện, thị xã tổ chức.
Ngày 1-10-2010 khai mạc Đại lễ vào 8 giờ tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Tiếp đó là các hoạt động văn hoá, nghệ thuật từ 9 giờ 30 trên khắp địa bàn thành phố và được khép lại bằng chương trình hoà nhạc Hội nhập quốc tế - Niềm tin hướng tới tương lai do NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội lúc 20 giờ. Tiếp đó, các ngày mồng 2, mồng 6, mồng 7, mồng 9, mồng 10, chương trình hoạt động rất phong phú, hấp dẫn đều được mở đầu trong ngày từ 8 giờ và kết thúc là chương trình cuối ngày lúc 20 giờ. Riêng, ngày mồng 4 tổ chức từ 8 giờ 30, ngày mồng 5 tổ chức từ 9 giờ, ngày mồng 3 tổ chức từ 7 giờ 30 và đều kết thúc bằng chương trình cuối ngày lúc 20 giờ.
Các chương trình được nhân dân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, cùng bạn bè quốc tế quan tâm, náo nức chuẩn bị tham gia hoặc theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là, biểu diễn nghệ thuật tại 5 sân khấu quanh hồ Hoàn Kiếm vào 9 giờ 30 ngày mồng 1; biểu diễn của nhiều Đoàn nghệ thuật Quốc tế trên địa bàn thành phố vào 20 giờ ngày mồng 9; khánh thành 6 công trình văn hoá lớn vào ngày mồng 6; lễ mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành vào 8 giờ ngày mồng 10 tại Quảng trường Ba Đình và Đêm hội văn hoá nghệ thuật vào 20 giờ ngày mồng 10 tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
GS, TS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hoá -Thể thao và Du lịch TP Hà Nội cho biết: Hơn 300 cuộc biếu diễn nghệ thuật trong nước, quốc tế và hàng trăm cuộc biểu diễn nghệ thuật quần chúng tạo nên bầu không khí văn hoá vô cùng sôi động. Do chuyên nghiệp trong công tác tổ chức nên các chương trình văn hoá, nghệ thuật đều đạt tới tầm quốc tế. Và kinh phí tổ chức tất cả các chương trình nghệ thuật đều thực hiện theo phương châm xã hội hoá.
Ý kiến ()