20
18
/
1100232
Mùa hè bỏng rát ở Bắc Giang
longform
Mùa hè bỏng rát ở Bắc Giang
Lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19 giữa những ngày hè bỏng rát, đảm nhận trách nhiệm truy vết, lấy mẫu, khoanh vùng, dập dịch ở trọn vẹn một huyện đang làm tâm điểm trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 ở miền Bắc, những người con ưu tú của quê hương Đất mỏ đã góp phần quan trọng cùng với Bắc Giang vượt qua đợt dịch bệnh vô cùng nguy hiểm và phức tạp. Đối với hơn 200 chiến sỹ áo trắng của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, đó là mùa hè rực lửa, mùa hè của thử thách, mùa hè của thực hành y tế và đạo đức về lời thề Hippocrates…
vide

Ngày 14/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương gửi công văn hỏa tốc đề nghị tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ lực lượng y tế giúp tỉnh Bắc Giang khẩn cấp thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết đối với 6.000 công nhân đang làm việc tại KCN Quang Châu và toàn bộ địa bàn huyện Việt Yên do dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát vượt quá khả năng tầm soát của tỉnh.

Bắc Giang gọi, Quảng Ninh trả lời, ngay lập tức hơn 200 y, bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển được lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Sáng 15/5, đoàn xuất quân, cùng các thiết bị được trang bị tiến vào tâm dịch chia lửa cùng Bắc Giang! Một chuyến công tác được “setup” nhanh như hàng ngàn các ca cấp cứu họ đã từng thực hiện.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hương chỉ có nửa ngày để sắp xếp công việc gia đình, “bàn giao” nhiệm vụ chăm sóc bố mẹ đã trên 80 tuổi, cô con gái đang trong những ngày ôn thi lên cấp 3 căng thẳng, con trai sắp được lên lớp 1 cho chồng để lên đường.

Bác sỹ Phạm Thị Trâm, sau ca trực ngày 14/5 kịp về nhà thu dọn chút đồ đạc cá nhân và ôm ấp 2 đứa con nhỏ, thủ thỉ lời hứa mẹ đi công tác sẽ về nhanh thôi!

Hơn 200 tâm trạng trước ngày lên đường vào “trận địa mới”, vội vàng gác những nỗi niềm riêng để vững tâm bước vào “đánh một trận mới”, trận đánh mà họ biết phải chiến thắng để bình an ngày trở về!

Buổi sáng ngày 15/5, sau khi hoàn tất các thủ tục để lên đường, đoàn xe lăn bánh. Nhìn qua kính thấy ánh mắt dõi theo đầy tin tưởng của các đồng nghiệp ở lại đảm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ họ còn đang thực hiện dang dở, ngăn dòng nước mắt trực chào khi bàn tay nhỏ xíu của đứa con thơ vẫy tạm biệt mẹ lên đường làm nhiệm vụ, nụ cười động viên, an ủi của mẹ già, cái gật đầu chia sẻ, cảm thông của bạn đời… họ càng củng cố quyết tâm phải thắng “giặc Covid-19” nhanh nhất, sớm nhất và trở về trong niềm vui đoàn tụ bình an!

“Người đi chân cứng đá mềm! Các y, bác sĩ lên đường làm nhiệm vụ lần này đều là những người có chuyên môn giỏi và có kinh nghiệm chống dịch đã được thử thách, rèn luyện qua quá trình đảm nhiệm nhiệm vụ thu dung, điều trị toàn bộ ca bệnh Covid-19 trên địa bàn 2 địa phương Uông Bí, Đông Triều. Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3, cùng những y, bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển đã thực hiện thần tốc truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả nhanh nhất, góp phần khóa chặt ổ dịch tại Đông Triều. Bắc Giang an toàn thì Quảng Ninh an toàn, vì vậy hơn 200 y, bác sỹ, nhân viên y tế lên đường chi viện cho Bắc Giang chống dịch cũng là nhiệm vụ chống dịch của tỉnh Quảng Ninh.

Với kinh nghiệm, đoàn công tác sẽ tiếp tục phát huy, lan tỏa tinh thần “lương y như từ mẫu”, truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của Vùng mỏ Anh hùng, cùng hình ảnh của những thầy thuốc tình nguyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao một cách an toàn, nhanh chóng hỗ trợ tỉnh Bắc Giang kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan của mầm bệnh trong cộng đồng, sớm ổn định tình hình, đảm bảo an toàn cuộc sống cho Nhân dân” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký khẳng định trong lời chia tay với đoàn trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Nhận nhiệm vụ thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm hỗ trợ công tác truy vết trọn vẹn của huyện Việt Yên, trong tâm thế chống dịch như chống giặc, lúc “nước sôi lửa bỏng” đoàn nhân viên y tế tỉnh Quảng Ninh chỉ sau 1 tiếng đặt chân đến Bắc Giang đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ.

10 nhóm công tác cắt đặt theo đầu công việc đảm bảo tính khoa học, chính xác và hiệu quả nhất trong thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm cho công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu, huyện Việt Yên). Đây là điểm nóng nhất trong tâm chấn Bắc Giang do có rất nhiều công nhân trong các nhà máy nguy cơ lây nhiễm tăng nhanh hàng giờ.

“Chúng tôi không ngờ số lượng cần truy vết, lấy mẫu lớn đến vậy. Hơn 10.000 công nhân cần được lấy mẫu, xét nghiệm ngay quả thực khiến anh em có lúc ngộp thở. Trong cái nóng đến ngột ngạt của tháng 6, kính chống giọt bắn luôn bị mờ bởi mồ hôi khiến mắt mọi người lúc nào cũng cay xè nhưng do có sự phân công, điều tiết công việc khoa học nhất người lấy mẫu, lưu mẫu, nhập liệu, rà soát thông tin, người bố trí khu vực lấy mẫu… nên như dây chuyền sản xuất, mọi việc băng băng chạy, anh em cũng dần thoát khỏi áp lực công việc, áp lực tiến độ và nhất là áp lực tâm lý trong trận chiến” - bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Hoa, Trưởng đoàn công tác kể lại.

Thần tốc sẽ chắc thắng, chỉ trong 48 tiếng đồng hồ đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc lấy 16.000 mẫu tại 93 công ty trong KCN Quang Châu, KCN Bình Trám, KCN Vân Trung, chuyển về xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển.

Nhiệm vụ tiếp theo, đoàn nhận lệnh đi lấy mẫu ở cộng đồng. Thử thách đối với các thành viên trong đoàn lúc này không chỉ là khối lượng công việc lớn, mà điều kiện địa hình, di chuyển trong những ngày hè nóng nực quả thật vô cùng khó khăn.

“Chúng tôi xuống từng xã, có những khu vực phải từng nhà dân để lấy mẫu. Do bối cảnh lúc bấy giờ, dịch bệnh lây lan quá nhanh, cấp ủy, chính quyền địa phương thực sự bối rối, quá nhiều công việc cần phải được giải quyết ngay nên chính quyền không có đủ lực lượng để hỗ trợ cho đoàn. Đặc thù ở huyện Việt Yên có nhiều nhà máy nên số lượng công nhân thuê ở nhà dân rất đông, thậm chí chính quyền còn không thể thống kê được hết. Có những ngày con số báo cho đoàn cần xét nghiệm là 200 người nhưng khi cử nhóm xuống thì số lượng lên đến hơn 1000 người. Rồi lại có những điểm con số thực tế xét nghiệm vượt con số báo vài lần rồi, vừa hoàn thành xong thì lại được báo còn khoảng 1.000 người nữa cần xét nghiệm…. Những tình huống như thế nếu anh em trong đoàn không có kinh nghiệm chiến đấu thì rất khó mà có thể hoàn thành được nhiệm vụ" - Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Hoa chia sẻ.

“Nóng, nóng là đương nhiên. Bên trong bộ đồ bảo hộ chúng em lúc nào cũng sũng nước. Nhưng chả sao chúng em cứ “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” đặt lưng là ngủ, đến điểm là lấy mẫu. Mọi thao tác không chỉ càng ngày càng thuần thục, nhanh chuẩn mà còn điêu luyện nữa. Như em có ngày lấy cả nghìn mẫu. Làm nguyên 1 việc trong 1 tháng lúc hoàn thành thấy hụt hẫng ấy chứ” - Điều dưỡng trẻ nhất đoàn Lưu Thị Huệ Phương hóm hỉnh kể lại khi đã được trở về với công việc điều dưỡng hàng ngày ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển.

“Cường độ công việc cao, thậm chí kéo dài cả ban đêm cộng với thời tiết khắc nghiệt nhưng tất cả chưa hề làm giảm nhiệt đi ý chí và tinh thần làm việc của cả đoàn, để mẫu được lấy và chuyển đi sớm nhất, giúp địa phương nhận diện nhanh nhất những trường hợp dương tính với Covid-19. Từ đó có thể giúp địa phương nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, dập dịch kịp thời. Những tháng ngày được tận hiến nơi tâm dịch bỏng rát là gia tài, là “ sự nghiệp”, là cả bầu trời thanh xuân nhiệt huyết mà không phải ai cũng có” - Điều dưỡng Lưu Thị Huệ Phương tâm sự.

Còn đối với những bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, trải qua nhiều thử thách trong nghề, 2 tháng ở Việt Yên - nơi nóng nhất Bắc Giang cũng là những tháng ngày không thể nào quên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng khoa Nhi chia sẻ: Ngay trong đêm hay rạng sáng, khi có kết quả thông báo về những ca Covid-19 mới, Ban chỉ huy tiền phương sẽ liên tục đưa ra các chỉ đạo mới. Điện thoại của tôi lúc nào cũng trong tình trạng “cháy máy” để cử cán bộ đến điểm này, điểm kia truy vết. Đỉnh điểm là ngày 25/5, Bắc Giang ghi nhận gần 400 ca mắc Covid-19, đối tượng lấy mẫu những ngày đó gần như vượt ngưỡng khi mỗi người phải lấy hàng nghìn mẫu/ngày. Guồng quay công việc cứ tới tấp, từ sáng đến đêm, từ đêm tới sáng, các tổ phản ứng nhanh vừa về đến khách sạn lúc 23h đêm lại nhận lệnh quay xe để tiếp tục truy vết ca bệnh. Chưa một ngày nào, báo cáo công việc của Đoàn kết thúc trước 2h sáng.

Những ngày hôm đó, chúng tôi lại ước giá như thời gian đừng dừng lại ở 24 tiếng. Trong những ngày hè nóng cháy da ấy, nhưng đêm về đến nơi nghỉ mà đường phố vắng lặng, chỉ có bóng của mọi người in trên nền đường, nếu hỏi chúng tôi có mệt không, không thể nói dối là không, nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau “mệt chỉ là cảm giác thôi”. Chưa ai ốm đau, chưa ai ngất xỉu, bởi có lẽ mỗi khi nhìn Bắc Giang cửa đóng then cài, hơn triệu người dân lẫn hàng chục vạn công nhân, chìm trong im ắng và nỗi nơm nớp dịch bệnh, chúng tôi hiểu mình cần phải dốc sức nhiều hơn nữa, để sớm xóa đi những đám mây mờ đang bao phủ cuộc sống của người dân nơi đây.

Gần 2 tháng chia lửa cùng Bắc Giang, ở mặt trận không tiếng súng ngoài sự động viên từ gia đình, người thân, đồng nghiệp, sức mạnh đã giúp cho hơn 200 chiến binh của Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển vượt qua gian khó chính là tình người nơi tâm dịch.

“Hôm nào cũng thế, về tới khách sạn là có quà của khách sạn và người dân để dưới sảnh. Hôm thì hoa quả, hôm thì sữa, hôm thì bánh. Ưng quá cơ”, là những dòng viết vội của kế toán viên Ngô Minh Hà trên facebook trong những ngày ở Bắc Giang.

Hà kể: Người dân Bắc Giang đáng yêu lắm, nhìn thấy đoàn ở đâu là cho quà ở đấy. Có khi chỉ là cốc nước hoa quả, là bịch bánh mỳ, hộp sữa, là cốc sấu dầm hay là bó hoa sen vừa cắt vội ở đầm, là nụ cười rất chi hiền hậu. Nhiều khi các nhóm để lấy mẫu phải đi bộ vào những ngõ sâu hàng km, bác thôn trưởng nhìn thấy huy động cả xe công nông, xe ôm ra để chở từng người. Rồi mỗi chuyến xe từ vùng dịch trở về khách sạn, các chú bảo vệ đã chờ sẵn với hai bình xịt khuẩn, lập tức khử khuẩn toàn bộ bên trong và bên ngoài xe. Kể cả những hôm đoàn về muộn lúc 2-3h sáng, các chú bảo vệ vẫn thức khử khuẩn, nhà bếp vẫn nấu bữa ăn nóng hổi cho chúng tôi. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi chống dịch mỗi ngày.

Kể về tình cảm của người dân, nhiều bác sĩ trong đoàn vẫn xúc động khi lấy mẫu cho người dân Việt Yên trong đêm nhưng lúc nào cũng được người dân chào đón. Cảm giác 2 giờ sáng ngồi đợi đến lượt bị đưa dụng cụ vào mũi lấy mẫu không dễ chịu, nhất là với người cao tuổi và trẻ em. Vậy mà một cụ già sau khi lấy mẫu đã vui vẻ cúi người cảm ơn và gửi lời chúc sức khỏe đến đoàn. Hành động và lời nói đó như liều thuốc đầy dưỡng chất bơm thẳng vào trái tim của chúng tôi vậy, bác sĩ Trần Bá Điều chia sẻ.

Gần 2 tháng chia lửa ở Bắc Giang, những ngày đầu tiên, khối lượng công việc quá lớn nhưng quy trình rà soát, nhập thông tin lấy mẫu đều thủ công. Nhận thấy vẫn còn có sự bất cập tốn thời gian, nhân lực, lại vô cùng vất vả, có thể dẫn đến sai sót, Đoàn công tác của bệnh viên đã cử cán bộ rà soát, trao đổi với CDC Bắc Giang để thống nhất biểu mẫu, quy trình lấy mẫu, bố trí khu lấy mẫu, nhập danh sách lấy mẫu và “mã hóa” lại đối tượng lấy mẫu. Nhờ đó đã giúp các đoàn sau này tránh sai sót khi nhập dữ liệu, giúp các đội lấy mẫu, tiếp nhận mẫu xử lý nhanh hơn, chính xác hơn…

Mặc dù, đã tuân thủ mọi quy định để đảm bảo an toàn nhưng có thời điểm, 15 cán bộ y tế của đoàn đã phải trở về cách ly tập trung tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí theo qui định, do có tiếp xúc gần với trường hợp F0 của nhân viên y tế Trung tâm Y tế huyện Việt Yên. Tuy nhiên, điều này không hề khiến cho những thành viên còn lại của đoàn cảm thấy nao núng. Chưa kể có thời điểm, số mẫu gộp cho kết quả dương tính lớn, nhưng khi xét nghiệm lại từng mẫu đơn thì cho một kết quả rất thấp. Đã từng có ý kiến hoài nghi về chất lượng lấy mẫu của đoàn vì ai cũng nghĩ rằng, máy móc không thể cho kết quả sai được. Tuy nhiên, khi gửi mẫu sang xét nghiệm ở một đơn vị khác đã chứng minh, việc lấy mẫu của đoàn là hoàn toàn chính xác. Hóa ra, chiếc máy xét nghiệm của CDC Bắc Giang do chạy quá nhiều mẫu liên tục trong suốt thời gian dài đã dẫn đến sai số. Sau đó, CDC Bắc Giang đã phải cho máy xét nghiệm tạm nghỉ 1 ngày. Cả đoàn lại động viên nhau là “chúng ta chạy tốt hơn cả máy”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ: Tất cả những ai khi bước chân theo nghề y đều thuộc nằm lòng Lời thề Hippocrates. “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng”, lời thề y đức này chúng tôi đều nhớ, thậm chí rất thuộc và khắc sâu trong tim. Do đó, tất cả mọi người trong bệnh viện đều đã chuẩn bị tinh thần cho những sự kiện như thế này và chúng tôi hiểu rằng, đây không phải là lúc nghĩ và sống cho riêng mình. Ngay cả khi chúng tôi biết rằng, khi đi vào vùng dịch thì coi như là những người có nguy cơ cao, thậm chí có thể bị nhiễm. Hoặc công việc có thể quá tải so với sự tưởng tượng nhưng chúng tôi sẽ sẵn sàng vượt qua mọi gian khó, hoàn thành đến cùng nhiệm vụ được giao”.

Không chỉ trực tiếp lấy trên 241.000 mẫu xét nghiệm cho người dân trong các khu công nghiệp và toàn bộ huyện Việt Yên, trong quá trình làm việc, đoàn công tác của BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí đã để lại những dấu ấn rất lớn cho công tác phòng chống dịch của địa phương.

Với những kinh nghiệm kiểm soát thành công dịch bệnh tại TX Đông Triều, đoàn đã tích cực đóng góp ý kiến xây dựng cho kế hoạch lấy mẫu, mã hóa thông tin các đối tượng lấy mẫu, công tác tổ chức truy vết dập dịch đảm bảo khoa học, không bỏ sót đối tượng. Chính sự dày dạn kinh nghiệm trong công tác chống dịch, chuyên môn cao và sự nhiệt huyết, đoàn công tác cũng là đơn vị được tỉnh Bắc Giang tin tưởng, đề nghị tổ chức tập huấn lý thuyết và hướng dẫn thực hành “Lấy mẫu xét nghiệm, truy vết Covid-19”, cho 6 đoàn công tác đến hỗ trợ chống dịch tại địa phương này.

Sau các khóa tập huấn, đoàn đã được GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đánh giá rất cao về công tác tổ chức cũng như chất lượng đào tạo, được cán bộ và sinh viên các trường ghi nhận. Sau này, quy trình lấy mẫu của đoàn đã được các địa phương miền Nam áp dụng để thực hiện và đạt hiệu quả rất cao.

Ngoài ra, đoàn còn trực tiếp tập huấn, hướng dẫn người dân tự test nhanh trong các khu cách ly tập trung; phối hợp với Bệnh viện Quân Y 103, CDC tỉnh Bắc Giang tiến hành thử nghiệm xét nghiệm Realtime-RT PCR COVID-19 qua nước bọt, một kỹ thuật mới lần đầu tiên được đưa vào áp dụng.

Để hỗ trợ Bắc Giang chiến thắng nhanh dịch bệnh, ngày 3/6, tỉnh Quảng Ninh đã cử thêm 20 y, bác sĩ (6 bác sĩ, 12 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên xét nghiệm) của các bệnh viện: Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí; Đa khoa tỉnh, Sản Nhi, Bãi Cháy, Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Đa khoa Cẩm Phả, làm nhiệm vụ tại tỉnh Bắc Giang.

Đây đều là những y, bác sĩ đã có kinh nghiệm trong chống dịch, cũng như có năng lực chuyên môn tốt trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu. Trong gần 1 tháng sau đó, 20 y, bác sĩ Quảng Ninh đã không quản khó khăn, nguy hiểm, tích cực phối hợp tham gia công tác điều trị người bệnh mắc Covid-19 nặng ở Trung tâm Hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang với khoảng 100 giường bệnh do Bộ Y tế thiết lập, trực tiếp cứu sống, chữa trị cho nhiều bệnh nhân nguy kịch.

Trước những thành tích xuất sắc và cống hiến hết mình, đoàn công tác và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Quảng Ninh. Đây là những sự động viên rất lớn cho đoàn trong những ngày gian khó, quên mình ở tâm dịch.

vid

Điều dưỡng Lưu Thị Huệ Phương (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí)

Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hi sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống, chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên con cũng cay đắng vì không được sống tiếp cuộc sống hòa bình hạnh phúc mà mọi người trong đó có con đã đổ máu xương để giành lại. Nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc. Cho nên có ân hận gì đâu! Mình đã nhẩm đi, nhẩm lại những dòng chữ này trong cuốn nhật ký của Liệt sỹ, Bác sỹ Đặng Thùy Trâm giữa những ngày xuyên đêm lấy mẫu, truy vết ở Đông Triều, trong những ngày bỏng rát ở tâm dịch Việt Yên (Bắc Giang).

Tiếng súng chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ trên dải đất hình chữ S yêu thương, vậy mà hơn 2 năm nay chỉ vì dịch bệnh Covid-19 – mà những ngôi làng yên ả thanh bình bỗng quặn đau bởi nước mắt, bởi những chia lìa, nhịp sống hối hả, sôi động nơi phố thị bỗng chùng lặng bởi sự lây lan của con virus corona. Phòng chống dịch bệnh Covid-19 trở thành cuộc chiến không tiếng súng mà những người đã tự hứa với lời thề Hypoocrates như mình đương nhiên phải là những chiến sỹ quả cảm nhất trong cuộc chiến, phải đứng ở tuyến đầu chống dịch.

Những ngày áp Tết nguyên đán năm nay, trong nhiều đêm trắng lấy mẫu, truy vết ở tâm dịch Đông Triều, có lúc mình muốn gục xuống làm một giấc quên đời! Tuổi trẻ mà, nhịp sinh học của cơ thể cần lắm những giấc ngủ vùi. Không, phải choàng tỉnh bởi phải thức cùng đồng đội, phải mở mắt, phải tính táo bởi bà con vẫn đang chong đèn đợi đoàn công tác đến lấy mẫu.

Trong cuộc chiến người chiến thắng là người kiên gan nhất, mình không sợ phải đối mặt với kẻ thù virus corona bởi mình có kiến thức, mình được trang bị các biện pháp phòng tránh tốt nhất. Có thể mình có tý AQ của tuổi trẻ chăng? Có thể là vậy nhưng thanh xuân mà có gì phải ân hận đâu! Góp chút sức nhỏ để quê hương đệ tứ chiến khu sớm khoanh vùng, dập dịch là quà mừng tuổi to nhất năm nay.

Bà ngoại, mẹ đã từng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp của ngành y, mình muốn được như bà, như mẹ, có gì phải do dự khi tình nguyện lần thứ 2 được đến tâm dịch của Covid-19 - Việt Yên, một huyện miền núi đang bỏng rát vì dịch bệnh lây lan quá nhanh, vượt mức tầm soát của tỉnh Bắc Giang. Sức trẻ đã cho mình cơ hội may mắn lần thứ 2 trong đời được trải nghiệm những tháng ngày không thể nào quên.

Nóng, đúng là rất nóng, bộ đồ “du hành vũ trụ” được khoác lên người để đi lấy mẫu giữa ngày hè tháng 6 khiến mình ngộp thở. Con đường liên thôn yên ả, hàng cây xanh đứng bóng vì nắng trưa hè chẳng giúp được mình giải nhiệt. Mệt lắm, có lúc mệt đứt hơi vì mất nước, vì mất sức! Không sao, tranh thủ ăn, tranh thủ ngủ, ngả lưng ở đâu là nhắm mắt dưỡng sức.

Hơn 1 tháng ở Việt Yên mình đã lấy bao nhiêu nghìn mẫu, phụ giúp các anh, chị xử lý vô vàn những công việc của đoàn cũng chả đếm, chả nhớ làm gì. Đã tình nguyện lên đường, đã được mặc chiếc áo màu trắng này, được vào tâm dịch để chiến đấu với giặc Covid-19 là điều quý giá nhất để nhớ cho cuộc đời rồi. Thanh xuân của mình đã có được một năm rực rỡ vô cùng sau 2 lần được vào tâm dịch chiến đấu với dịch bệnh!

Điều dưỡng Dương Doãn Hải

Cùng với Phương là út ít trong đoàn đi chi viện cho tỉnh Bắc Giang, mình thấy tự hào khi được góp chút công sức nhỏ bé cùng tỉnh bạn sớm khoanh vùng dập dịch Covid-19.

Dù chỉ hơn 1 tháng thực hiện nhiệm vụ nhưng đó là những ngày, những giờ phút rèn giũa mình mạnh mẽ, cứng cáp sẵn sàng tiếp nhận, đối mặt và vượt qua khó khăn thử thách.

Đó là, từ tuần thứ 2, sau khi hoàn thành việc lấy mẫu trong các nhà máy tại các KCN, đoàn của mình chuyển sang lấy mẫu tại cộng đồng trên toàn địa bàn huyện Việt Yên. Đó là thời điểm thời tiết nóng bức nhất, nhiệt độ ngoài trời có ngày lên tới 40 độ C. Mấy hôm đầu đi lấy mẫu vào ban ngày cả đoàn gần như ai cũng kiệt sức do thời tiết quá nóng bức. Thế nhưng không ai kêu than, mọi người vẫn động viên nhau cố gắng nở nụ cười để bà con an lòng.

Mình tự nhủ: “Là đàn ông thanh niên trẻ nhất đoàn, phải thật mạnh mẽ lên Hải ơi. Các cô chú lớn tuổi, các chị em phụ nữ còn làm việc không một chút nề hà cơ mà. Đây chỉ là một thử thách phải vượt qua trên con đường nghề nghiệp của mình, cố gắng, phải thật cố gắng…”

Nhận thấy nếu duy trì việc lấy mẫu vào ban ngày sẽ sớm vắt kiệt sức của anh em, nên đoàn quyết định chuyển sang lấy mẫu vào ban đêm. Biết là sẽ bất tiện đối với bà con nhưng sức người có hạn, mỗi lực lượng chia sẻ với nhau một chút thì dịch bệnh sẽ nhanh được đẩy lùi nên bà con Việt Yên đã phối hợp rất tốt để đoàn thực hiện lấy mẫu ở từng thôn, xã. Tranh thủ ban ngày lúc thời tiết mát mẻ lấy mẫu, còn lại là làm xuyên đêm, có những hôm mình đã lập được kỷ lục cho mình khi lấy xong hàng nghìn mẫu đúng quy trình, an toàn.

Trong những ngày làm việc ở tâm dịch Bắc Giang, mẹ thường xuyên gọi điện động viên, chia sẻ với mình, mẹ tự hào khi mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhà văn Nikolai Ostrovsky trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy” viết: Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Mình mong muốn được sống thực sự có ích, được cống hiến hết mình cho nghề y và mình sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tận hiến! 

Điều dưỡng Trần Thị Kim Dung

Sau khi hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm, giúp khoanh trọn được ổ dịch tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên, đoàn y bác sĩ, nhân viên y tế tình nguyện của Quảng Ninh được tỉnh Bắc Giang tin tưởng giao trọng trách truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch trên toàn bộ địa bàn huyện Việt Yên - địa bàn có mật độ dân cư đông đúc và di biến động nhân khẩu, tạm trú tạm vắng phức tạp bậc nhất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Để đáp ứng yêu cầu về khối lượng khổng lồ của số mẫu phải lấy và việc chạy đua với thời gian, xét nghiệm, khoanh vùng vượt đà lây lan của dịch bệnh, “Đội phản ứng nhanh” với những y bác sĩ, nhân viên y tế nhanh nhất, khỏe nhất, thạo việc nhất của đoàn tình nguyện Quảng Ninh đã được thành lập, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ban chỉ huy tiền phương đặt tại huyện Việt Yên. Mỗi khi có kết quả từ các đơn vị xét nghiệm báo phát hiện có 1 mẫu gộp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, Đội phản ứng nhanh ngay lập tức lên đường thực hiện việc “bóc mẫu” để làm xét nghiệm mẫu đơn, nhanh chóng tìm ra ca bệnh, lên phương án thu dung, điều trị.

Mình vinh dự được lựa chọn là một trong những thành viên tinh nhuệ nhất trong đội hình tinh nhuệ ấy. Đội có quân số cố định là 20 thành viên, thời điểm nào căng thẳng thì được tăng cường quân số. Đặc thù của Đội là làm việc không hề có thời gian, giờ giấc cố định. Bất cứ khi nào có kết quả xét nghiệm mẫu gộp gửi về phát hiện ca dương tính, là lập tức lên đường. Không khí làm việc luôn luôn căng, gấp gáp hơn cả trong phòng cấp cứu. Vì là đội phản ứng nhanh nên khi lệnh đến bất kể giờ giấc, đang làm gì cũng để đấy đi làm nhiệm vụ ngay lập tức. Có những bữa vừa ăn được nửa bát cơm cả đội phải buông đũa đi ngay, lúc trở về đã quá nửa đêm về sáng.

Hơn 200 cán bộ, nhân viên y tế tỉnh cử đi chi viện cho tỉnh Bắc Giang để khống chế dịch bệnh đều là những người dày dạn kinh nghiệm, nhiệt huyết, hết lòng vì công việc, vì sức khỏe, tính mạng nhân dân. Hơn 1 tháng làm việc nhưng cường độ lao động, khó khăn, vất vả gấp cả chục lần lúc bình thường nhưng tất cả các thành viên trong đoàn đều hiểu rằng muốn thành công phải vượt qua.

“Không có chiến thắng nào được trải trên hoa hồng”, chúng tôi đã góp phần làm nên chiến thắng ở tâm dịch Bắc Giang trong một mùa hè rực lửa 2021!  

Thực hiện: Hoàng Nga - Minh Hà

Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt


30 ngày "chia lửa" cùng Tây Ninh
Hàng trăm cuộc chiến sinh tử đã diễn ra tại khu ICU- tầng điều trị cao nhất bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh. Áp lực đến với y bác sĩ của Quảng Ninh cũng như Tây Ninh rất lớn, thậm chí có lúc căng thẳng đến “nghẹt thở”.
   
Bình Dương gọi, chúng tôi sẵn sàng
Trong Đoàn lần này, hầu hết đều là y bác sĩ trẻ, cũng có những người đã từng lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang trước đó, có đủ sức khỏe, kinh nghiệm, và dũng cảm để đương đầu với những khó khăn, vất vả phía trước. 
   
Hà Nội - Một tuần "thần tốc"
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, 8h ngày 10/9, đoàn cán bộ y tế Quảng Ninh gồm 191 người lên đường đến TP Hà Nội nhận nhiệm vụ hỗ trợ huyện Chương Mỹ lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân.   
   
Hẹn ngày TP Hồ Chí Minh trở lại yên bình
Đoàn y tế Quảng Ninh đã tham gia điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân ở Bệnh viện thu dung số 6 và tiếp nhận, thu dung, điều trị cho hơn 4.400 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 12. Đến nay đã có hơn 3.330 bệnh nhân được khỏi bệnh, ra viện.