
Một công trình ý nghĩa
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh mới đây đã được Thường trực Tỉnh uỷ giao thực hiện sưu tầm, biên soạn cuốn sách ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Ninh”.
Với quy mô vài trăm trang, đây thực sự sẽ là một công trình ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ (1969-2019).
Như tiêu đề, cuốn sách dự kiến sẽ gồm các hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ với nhân dân tỉnh Quảng Ninh; những lần Bác tiếp khách quốc tế trên Vịnh Hạ Long; những bút tích trên báo, lời dạy của Bác đối với đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, với ngành than, các lực lượng vũ trang cũng như tình cảm của đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Ninh với Bác.
Chúng ta đều biết, sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần về thăm Quảng Ninh. Người đã tới thăm nhiều nơi, nói chuyện với các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; ân cần hỏi thăm từ chị nông dân làm muối, anh công nhân đào lò đến người trồng rừng, chiến sĩ canh giữ biển đảo. Có thể kể tới các địa danh Bác Hồ đã tới thăm ở Quảng Ninh như là Vịnh Hạ Long, Hòn Gai, Tuần Châu, Uông Bí, Đèo Nai, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô, Vạn Hoa...
Nhiều lời dạy của Bác đã trở thành động lực, là niềm tin và còn nguyên giá trị đến hôm nay đối với đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và ngành than, như: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ” (Bác nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ đảo Cô Tô ngày 9/5/1961), “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh - quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc” (Bác nói chuyện với đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành than tại Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1968)...
Không chỉ vậy, theo cố nhà giáo Tống Khắc Hài từng ghi lại lời kể của ông Hoàng Chính, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hải Ninh giai đoạn 1946-1948, 1955-1963; nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Quảng Ninh 1964-1969 thì Bác Hồ chính là người nêu ý tưởng đặt tên tỉnh là Quảng Ninh khi hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng năm 1963, gửi gắm bao hàm ý sâu xa về một vùng Đông Bắc của Tổ quốc rộng lớn (quảng) và yên vui, bền vững (ninh). Ngoài ra, ai cũng biết, Bác đã đặt tên cho đảo Titop trên Vịnh Hạ Long. Từ một hòn đảo hoang người Pháp dùng làm nơi an táng các chủ mỏ, sĩ quan, binh lính (nên thời ấy gọi là đảo Nghĩa địa hay Hồng Thập tự), đảo Titop - tên của Anh hùng Phi công vũ trụ Liên Xô Giecman Titop đã trở thành một trong các biểu tượng cho tình hữu nghị Việt - Nga ở Quảng Ninh.
Những tình cảm, sự quan tâm mà sinh thời Bác Hồ đã dành cho Quảng Ninh là một di sản quý báu. Trên chặng đường phát triển 56 năm qua, các địa danh nơi Bác đã đến, các tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ luôn được tỉnh gìn giữ, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ; các tấm ảnh mà các cá nhân vinh dự được chụp với Bác trở thành vô giá với nhiều gia đình. Kho di sản ấy sẽ là nguồn tư liệu chính cho cuốn sách ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỉnh Quảng Ninh”.
Tuy nhiên, do thời gian ngày một xa, những người đã may mắn được gặp Bác Hồ nhiều người đã già, chuyển nơi cư trú hoặc đã khuất; công tác lưu trữ ảnh, tư liệu bị nhiều ảnh hưởng do thời tiết, chiến tranh tác động... là những khó khăn không nhỏ khi thực hiện công trình - cuốn sách trên. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh rất mong sẽ nhận được từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân trong và ngoài tỉnh sự hỗ trợ, chia sẻ, cung cấp các tư liệu, hình ảnh liên quan đến Bác Hồ với Quảng Ninh và Quảng Ninh với Bác Hồ. Đây cũng chính là cách chúng ta thể hiện tình cảm của mình với Bác Hồ kính yêu.
Đại Dương
Ý kiến ()