Nga mang nguyên mẫu Su-57 bị chê về ngoại hình đến triển lãm Chu Hải, dường như để che giấu năng lực thực sự của mẫu tiêm kích tàng hình này.
Nga tuần này trình diễn hai nguyên mẫu của tiêm kích tàng hình Su-57 tại triển lãm hàng không Chu Hải ở Trung Quốc. Chiếc đầu tiên có mã hiệu T-50-4 làm nhiệm vụ bay biểu diễn, còn chiếc thứ hai được cho là T-50-6 hoặc T-50-7 được đặt tại khu trưng bày tĩnh cùng dàn mô hình vũ khí.
Nguyên mẫu T-50-4 trở thành tâm điểm chú ý của khách tham quan và người dùng mạng xã hội Trung Quốc khi được đưa tới triển lãm Chu Hải. Dựa trên các video cận cảnh, nhiều người Trung Quốc cho rằng chất lượng hoàn thiện của máy bay rất kém, có nhiều khe hở giữa các tấm thân vỏ, ốc vít và đinh tán nhô lên so với bề mặt xung quanh, điều có thể làm tăng diện tích phản xạ radar và khiến phi cơ dễ bị phát hiện hơn.
Phần đuôi máy bay cũng được gắn vào khung thân bằng nhiều loại ốc vít khác nhau, cho thấy sự thiếu đồng bộ trong quá trình lắp rắp.
Nhiều bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc chê tiêm kích Su-57 Nga thua kém phi cơ nội địa như J-20 và J-35A, nhấn mạnh các chiến đấu cơ Trung Quốc đều có vỏ ngoài trơn láng như dòng F-35 Mỹ.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Nga có nhiều lý do để mang nguyên mẫu Su-57 đời đầu có ngoại hình kém bắt mắt đến triển lãm Chu Hải.
Roman Skomorokhov, tổng biên tập trang quân sựTop Warcủa Nga, cho hay Su-57 là tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Nga và Moskva không muốn công khai mọi thứ về loại khí tài này trước công chúng, nhất là khi có nhiều chuyên gia nước ngoài, thậm chí là cả gián điệp NATO, xuất hiện tại triển lãm. "Thật kém sáng suốt nếu làm điều đó", ông viết.
Theo Skomorokhov, T-50-4 là nguyên mẫu thứ tư, được chế tạo trong giai đoạn đầu của dự án Su-57 và thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2012. Chiếc còn lại mới hơn và xuất xưởng trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai, song cũng đã hoạt động liên tục từ năm 2016.
"Không cần là chuyên gia để hiểu rằng những nguyên mẫu sơ khai từ năm 2012 sẽ khác xa phiên bản sản xuất loạt trong năm 2024", ông nói.
Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 8/2020 công bố những hình ảnh đầu tiên về quá trình sản xuất hàng loạt tiêm kích Su-57, cho thấy phiên bản này có chất lượng hoàn thiện tốt hơn rất nhiều so với nguyên mẫu.
"Nga muốn thu hút khách hàng nước ngoài, nhưng cũng không muốn để lộ bí mật cho Trung Quốc. Việc đưa nguyên mẫu Su-57 đời đầu tới triển lãm là cách để làm điều này", các nhà phân tích thuộc trangSohucủa Trung Quốc nhận định.
Chuyên trang quân sựMilitary Watchcủa Mỹ cũng nhận định hai chiếc Su-57 trưng bày ở Trung Quốc đều là nguyên mẫu đời cũ, không phải phiên bản hoàn thiện và được sản xuất hàng loạt. Do đó, không thể dựa vào ngoại hình của hai tiêm kích này để nhận định rằng chương trình Su-57 của Nga đã thất bại.
Military Watch chỉ ra rằng nguyên mẫu sơ khai của các chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 đều có khả năng tàng hình kém, chứ không chỉ riêng dự án Su-57 Nga.
"Năng lực tàng hình của Su-57 có thể chưa bằng J-20 của Trung Quốc và F-35 của Mỹ, nhưng nó vẫn sở hữu khả năng tàng hình tốt và chất lượng phiên bản sản xuất hàng loạt cũng đạt tiêu chuẩn cao", bài viết trên chuyên trang Mỹ có đoạn.
Aaron Spray, cây viết của trang tin hàng khôngSimple Flying,cho rằng "thật sai lầm" khi coi Su-57 là mẫu tiêm kích tệ hại, nhấn mạnh nó có những tính năng vượt trội hơn nhiều so với chiến đấu cơ đời cũ như MiG-29 và Su-27.
Một lý do khác khiến Nga đưa nguyên mẫu chưa hoàn thiện của Su-57 tới triển lãm Chu Hải là ảnh hưởng từ xung đột Ukraine. Ngoài 10 nguyên mẫu thử nghiệm của dự án T-50, Nga đã xuất xưởng và đưa vào biên chế gần 30 chiếc Su-57 phiên bản hoàn chỉnh.
Mẫu tiêm kích này đang được sử dụng cho nhiệm vụ tấn công chính xác hoặc chế áp phòng không Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 1/2023 cũng nhận định Nga đang dùng chiến đấu cơ Su-57 để "khai hỏa tên lửa không đối đất hoặc không đối không nhằm vào mục tiêu Ukraine".
"Các tiêm kích Su-57 hoàn thiện đang tập trung tác chiến ở tiền tuyến, nên không thể góp mặt tại triển lãm Chu Hải. Khiếm khuyết lớn nhất của dự án Su-57 không nằm ở chất lượng phi cơ, mà là sự chậm trễ trong quá trình sản xuất, khiến số lượng máy bay trong biên chế thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu", bài viết trên Military Watch có đoạn.
Ý kiến ()