"Khuất mắt trông coi"...
Hôm rồi ông bạn đến nhà chơi, nhân nói chuyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, bảo:
- Phải công nhận thành phố mình mấy năm gần đây đổi mới, khang trang hơn rất nhiều so với trước đây. Nào đường sá thì được cơi nới, rải thảm phẳng phiu, vỉa hè thì lát đá bóng nhoáng, mấy cái cột điện dây rợ lằng nhằng cũng đã tháo hết để dùng cáp ngầm… Nhưng chú để ý thấy có gì đặc biệt không?
- Là gì hả bác?
- Là người ta chỉ “ưu tiên mặt tiền” thôi, còn nhiều chỗ “khuất mắt trông coi” lắm!
- Sao lại “khuất mắt trông coi”...?
- Thì chú cứ thử đi vòng ra phía sau mấy nhà nghỉ, khách sạn cao tầng dọc phố Vườn Đào ở Khu du lịch Bãi Cháy này xem, gọi là hệ thống thoát nước nhưng chỉ là một cái rãnh toen hoẻn “bằng lỗ mũi”, chỉ cần một quả dừa khô vứt xuống đã có thể gây tắc nghẽn rồi... Vậy mà suốt bao năm nay có thấy nói gì đến chuyện phải đầu tư cải tạo lại đâu! Ấy chẳng phải là do nó “khuất mắt trông coi” nên chẳng ai để ý tới là gì?
- Bác nói cũng phải, nhưng đó là hậu quả từ cái thời “tấc đất tấc vàng”, mấy nhà bám đường, nhà nào cũng cố “gạn” hết diện tích để xây nhà nghỉ, khách sạn, nên mới ra nông nỗi này! Giờ muốn cải tạo lại cho đồng bộ cũng đâu có dễ?
- Hừm, quả đúng là như vậy! Nhưng không lẽ vì khó giải quyết thì thôi không làm sao? Chú nên biết đô thị ngày càng phát triển hiện đại, nếu cái kiểu “khuất mắt trông coi” như thế này mà càng để lâu lại càng khó hơn; rồi thì “cải sẩy nẩy cái ung”, phức tạp lắm! Mà không chỉ ở chỗ mình thôi đâu nhé, tôi đi một số khu dân cư khác trong thành phố cũng thấy có tình trạng tương tự...
- Vậy theo bác thì cần phải làm thế nào?
- Ô hay, chú phải hỏi mấy ông quản lý quy hoạch đô thị chứ sao lại hỏi tôi! Mấy ông ấy cứ đến “cận mục sở thị”, rồi trao đổi bàn bạc với bà con tổ dân khối phố, tôi tin kiểu gì cũng tìm ra cách giải quyết. Còn như cứ để tình trạng này kéo dài mãi, đến khi nó không còn “khuất mắt trông coi” nữa, thì chẳng biết hậu quả sẽ thế nào...
Trung Luận
Ý kiến ()