
Không chủ quan với bệnh sởi
Mùa xuân, khi khí hậu, nhiệt độ môi trường có nhiều thay đổi, chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, như: Sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, cúm A, tiêu chảy, tay chân miệng... Trong đó, thời gian qua, sởi là một trong những bệnh đang có diễn biến phức tạp nhất, có nguy cơ bùng phát, khiến ngành y tế, người dân không khỏi lo lắng.
Trước tình hình bệnh sởi có nhiều diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo xu hướng bệnh sởi gia tăng trên thế giới. WHO cho rằng bệnh sởi gia tăng đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu.
Ở nước ta thì theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chỉ tính trong dịp Tết Nguyên đán, cả nước ghi nhận 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam, không có trường hợp tử vong. Trong đó, nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... có nguy cơ cao xảy ra dịch sởi tại cộng đồng.
Tuy chưa có ổ dịch lớn, nhưng giai đoạn chuyển mùa hiện nay là điều kiện rất thuận lợi để các bệnh về hô hấp như sởi phát triển mạnh. Vì vậy, Cục Y tế dự báo số ca mắc sởi có thể gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.
Đối với Quảng Ninh, năm 2018 cũng xảy ra 228 ca mắc sởi, trong đó 118 ca đối tượng trẻ em từ 1 đến 15 tuổi. Dịp Tết Nguyên đán, tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận rải rác các bệnh nhân mắc bệnh sởi, trong đó chủ yếu là trẻ em.
Một trong những điều đáng lo ngại nhất đó là có đến 90% ca mắc sởi là do không tiêm phòng và tiêm phòng không đầy đủ, tập trung vào trẻ em và phụ nữ đang mang thai.
Theo khuyến cáo, sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não…, có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non…
Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vaccine sởi và những người không có miễn dịch với virus sởi đều có thể bị mắc sởi.
Hẳn mọi người còn chưa quên bài học về dịch sởi năm 2014, khiến nhiều trẻ tử vong. Nguyên nhân được xác định là do trẻ bị lây nhiễm chéo từ bệnh viện. Chính vì vậy, trẻ mắc sởi phải được điều trị ở khu vực riêng, có cửa trước, cửa sau và phải thông khoáng khí, không nên đưa trẻ đi chụp chiếu, xét nghiệm ở khu vực khác hoặc ngoài khu vực cách ly, tránh virus sởi phát tán.
Và để phòng, chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các gia đình chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vaccine sởi - rubella đầy đủ và đúng lịch. Bệnh sởi rất dễ lây, chính vì vậy, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Thái Bình
Ý kiến ()