Khẩn trương, quyết liệt phòng, chống bão số 2
Theo dự báo, bão số 2 là cơn bão có sức gió rất mạnh, di chuyển nhanh, gây mưa lớn và có những diễn biến phức tạp. Hướng di chuyển của bão cũng như vùng ảnh hưởng của nó rất nhiều khả năng tác động trực tiếp đến khu vực từ Quảng Ninh đến Hải Phòng, trong đó đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh.
Để chủ động phòng, chống cơn bão có hiệu quả, ngay khi có thông tin và hướng di chuyển của cơn bão, UBND tỉnh đã liên tiếp có các công điện khẩn chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và ngành chức năng có các giải pháp phòng, chống, ứng phó với cơn bão. Trong các ngày 18 và 19-7, dừng toàn bộ các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung cho công tác phòng chống bão. Sáng ngày 17-7, ngay sau cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Trung ương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh đã họp trực tuyến khẩn cấp với các ngành, địa phương để triển khai các phương án phòng, chống bão số 2. Ngay trong ngày 17 và 18-7, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến các địa phương trong tỉnh để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống cơn bão.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, cộng với sự chủ động của các ngành, địa phương nên hầu hết các phương tiện đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trên biển đã sớm được thông tin, kêu gọi để phòng tránh bão. Theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các ngành, địa phương ngoài việc theo dõi sát sao, chặt chẽ và thường xuyên thông tin cho nhân dân về tình hình của cơn bão phải sẵn sàng có các biện pháp, phương án đối phó với bão số 2. Đặc biệt từ chiều ngày 17-7, dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan. Các địa phương tổ chức neo đậu tàu thuyền, bè mảng chắc chắn, đảm bảo an toàn; tiến hành di chuyển những hộ dân sinh sống trên các nhà bè, ao đầm nuôi trồng thuỷ sản, trong các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Chú ý tập trung cho công tác phòng chống sạt lở đất đá, ngập úng trong các khu dân cư và khai trường của ngành Than. Đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, hệ thống đê biển, đê sông; có phương án chống ách tắc giao thông, xử lý sự cố trên các tuyến đường; đảm bảo an toàn, thông suốt hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc…
Để đảm bảo cho công tác chỉ đạo kịp thời, trực tiếp, tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác đến các địa bàn xung yếu từ Quảng Yên đến Vân Đồn, Móng Cái chỉ đạo và phối hợp phòng, chống có hiệu quả với cơn bão. Đồng thời chỉ đạo ngành chức năng cấp phát các loại vật tư, phương tiện cần thiết cho công tác phòng chống bão. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi cần thiết.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, tình huống của các ngành, địa phương, tin rằng Quảng Ninh sẽ đối phó tốt với cơn bão, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do nó gây ra…
Thanh Tùng
Ý kiến ()