
Khẩn trương dập dịch
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng trên đàn gia súc, gia cầm. Dịch xuất hiện vào thời điểm này khi số lượng đàn vật nuôi đang rất lớn để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là nỗi lo không chỉ của người nông dân, mà còn của các ngành chức năng liên quan của tỉnh.
Theo Cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh thì vừa qua tại TX Đông Triều đã xuất hiện 3 ổ dịch lở mồm long móng trên đàn lợn của 3 hộ gia đình tại xã Nguyễn Huệ, An Sinh, với tổng đàn 111 con, trong đó thời điểm phát hiện ổ bệnh đã có 15 con lợn bị chết. Còn ở hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lui, thôn 3, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, xuất hiện ổ cúm gia cầm H5N6 trên đàn gà 3.000 con.
Hay trước đó, tại gia đình ông Trần Văn Bình, thôn 8, xã Hải Tiến, TP Móng Cái, xảy ra hiện tượng gà, vịt, ngan chết hàng loạt. Qua kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng II, toàn bộ mẫu bệnh phẩm trên gia cầm của gia đình ông Bình đều dương tính với virut cúm A/H5N6.
Như vậy, tính tới thời điểm này, toàn tỉnh đã xuất hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm tại Móng Cái, Tiên Yên, Hải Hà và 3 ổ dịch lở mồm long móng ở Đông Triều.
Điều đáng lo ngại là đối với những nơi xảy ra dịch cúm gia cầm thì theo cơ quan chức năng đây đều là những hộ chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm theo quy định.
Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, lực lượng chức năng liên quan của tỉnh, huyện đã tiến hành xử lý tiêu hủy đàn gia súc, gia cầm, đồng thời khẩn trương bao vây ổ dịch, phun tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dập dịch theo đúng quy trình.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng, UBND tỉnh vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung khẩn trương xử lý các ổ dịch trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt các ổ dịch đảm bảo không để dịch lây lan ra diện rộng. Đồng thời, tập trung thực hiện ngay công tác tuyên truyền đến tận thôn, khu dân cư, người dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cách phòng, chống. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác phòng, chống, bao vây, khống chế, dập tắt các ổ dịch.
Thời tiết rét đậm, có mưa như hiện nay là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm, lở mồm long móng trên đàn gia súc, gia cầm phát triển. Biện pháp phòng bệnh duy nhất là tiêm vắc xin. Khi xảy ra dịch phải tiêu hủy đàn vật nuôi, đồng thời bao vây xử lý dập dịch dứt điểm. Không chỉ phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, các ngành, địa phương liên quan của tỉnh cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ gia súc, gia cầm từ tỉnh, thành phố lân cận vận chuyển vào tỉnh. Đặc biệt là việc thẩm lậu gia súc, gia cầm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm qua địa bàn biên giới vào nội địa.
Tin rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương của các ngành chức năng, địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng sẽ sớm được dập tắt, qua đó đem lại niềm vui cho người nông dân khi Tết đến, Xuân về.
Thái Bình
Ý kiến ()