Khai thác hiệu quả tuyến vận tải ven biển
Ngày 6-7 vừa qua, tại TP Hải Phòng, Bộ Giao thông - Vận tải đã chính thức công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đi vào hoạt động. Theo đó, tuyến vận tải này là hoạt động giữa các cảng, bến thuỷ nội địa, cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình đi vào hoạt động sẽ phục vụ và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá với khối lượng lớn, nhất là hàng siêu trường, siêu trọng.
Việc đưa tuyến vận tải ven biển này vào hoạt động còn góp phần quan trọng trong việc giảm tải cho các tuyến đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hàng hoá. Theo tính toán, với số lượng khoảng 100 tàu trọng tải 1.000 tấn chạy khoảng 600 lượt/tháng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải từ 500 đến 600 nghìn tấn hàng hoá, tương đương với 20 nghìn lượt phương tiện vận tải đường bộ loại trọng tải 30 tấn/xe. Và mặc dù thời gian vận tải bằng đường biển có dài hơn 2,5 đến 3 lần so với đường bộ, nhưng chi phí vận tải chỉ bằng 1/5-1/6 so với chi phí vận tải bằng đường bộ, qua đó góp phần giảm chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, đơn vị…
Tuy nhiên, để các phương tiện đủ điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động trên tuyến vận tải này thì phải được chuyển đổi, nâng cấp để phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi theo quy định, tàu chạy tuyến này phải đạt tiêu chuẩn cấp VR-SB (tàu chạy ven biển) trọng tải từ 1.000 đến 5.000 tấn…
Quảng Ninh là tỉnh ven biển, có chiều dài bờ biển lớn, có nhiều cảng biển, cảng thuỷ nội địa rất thuận lợi cho phát triển các hoạt động vận tải ven biển, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, theo cơ quan chuyên môn, hiện tại cả tỉnh mới chỉ có 6 phương tiện chở khách hoạt động trong phạm vi các huyện Vân Đồn và Cô Tô đạt cấp VR-SB, còn các tàu vận tải đạt cấp này chưa có.
Để khai thác, phát huy hiệu quả tuyến vận tải ven biển này, hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh đang tích cực thông báo, hướng dẫn để các chủ tàu đủ điều kiện thực hiện chuyển cấp tàu lên cấp VR-SB. Bước đầu đã có 12 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký chuyển đổi cấp tàu để mở rộng địa bàn hoạt động và tăng khối lượng hàng hoá vận chuyển.
Hướng ra biển và làm giàu từ biển đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, là tỉnh ven biển, Quảng Ninh cần nhanh chóng phát huy tốt lợi thế này, mà trước mắt là khai thác có hiệu quả tuyến vận tải ven biển vừa được công bố…
Thanh Tùng
Ý kiến ()