“Kết hợp giữa người dân và doanh nghiệp để làm du lịch cộng đồng...”
Cách đây hai năm, ông Hà Đông Minh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch cộng đồng Bình Liêu thực hiện những chuyến khảo sát đầu tiên, lựa chọn địa điểm phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng tại Bình Liêu. Tháng 10/2024 vừa qua, Công ty phối hợp với UBND huyện Bình Liêu đã tổ chức được đoàn famtrip đầu tiên đến khảo sát cung đường đi bộ trekking xuyên rừng và tham quan mô hình lưu trú homestay của người Dao Thanh Phán tại xã Đồng Văn mà đơn vị hỗ trợ phát triển.
Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện, trao đổi với ông Hà Đông Minh (ảnh) về sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng tại Bình Liêu.
- Xin chào ông Minh! Xin ông cho biết là thành phần đoàn famtrip trải nghiệm trekking xuyên rừng tại Bình Liêu gồm có những ai và những vị khách này sẽ có vai trò như thế nào với sự phát triển du lịch cộng đồng của địa phương? + Đoàn famtrip gồm đại diện của khoảng 50 công ty. Họ chủ yếu là giám đốc doanh nghiệp và giám đốc sản phẩm của các công ty lữ hành chuyên về tour inbound đưa du khách quốc tế, ở đây chủ yếu là khách châu Âu, châu Mỹ tham quan Việt Nam. Đối tượng khách của họ là những người thích trải nghiệm những vùng đất như Bình Liêu. Họ thích được tự mình khám phá ruộng bậc thang, nhà của người dân bản địa, những khu rừng còn tự nhiên. Mục đích của chuyến famtrip này là muốn giới thiệu tới những người làm du lịch, những người làm đầu bán tour du lịch để họ được trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm cung đường trekking tham quan mùa vàng và rừng hồi, rừng sở của xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, để sau đó họ sẽ giới thiệu và bán sản phẩm du lịch Bình Liêu cho khách nước ngoài. - Sự liên kết giữa các doanh nghiệp để đưa du khách tới Bình Liêu được thực hiện cụ thể như thế nào? |
+ Chúng tôi kết hợp với người dân để cùng làm du lịch. Như tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, chúng tôi hỗ trợ bà con kỹ thuật và vốn để họ xây dựng lại những ngôi nhà trình tường sao cho ngôi nhà khang trang hơn, phù hợp hơn với đối tượng khách nước ngoài. Đưa nhà trình tường trở thành cơ sở lưu trú thì chúng tôi phát triển những sản phẩm như đi bộ, đi rừng, các hoạt động du lịch như chèo thuyền kayak, đạp xe… kết hợp chúng lại với nhau trở thành một “package”, tức là một gói tour. Còn những công ty du lịch tham gia famtrip được chúng tôi giới thiệu sản phẩm, họ sẽ mua những gói tour của chúng tôi và cùng nhau phát triển.
Trong câu chuyện này, doanh nghiệp chúng tôi chuyên về phát triển sản phẩm ở Bình Liêu còn các doanh nghiệp inbound với rất nhiều tour du lịch ở tất cả các nước, họ sẽ kết hợp tour du lịch Bình Liêu vào gói tour lớn của họ. Đấy là sự kết hợp Công ty Du lịch cộng đồng Bình Liêu với các công ty du lịch lữ hành quốc tế tại Việt Nam.
- Sau khi tổ chức famtrip, kế hoạch sắp tới của Công ty Du lịch cộng đồng Bình Liêu sẽ là gì?
+ Sau chuyến famtrip, nếu các công ty du lịch muốn gửi khách tới Bình Liêu, chúng tôi có thể đón khách luôn vì chúng tôi đã có những cơ sở lưu trú có thể sử dụng được và sau này, chúng tôi sẽ phát triển những cơ sở lưu trú tương tự với bà con ở Khe Tiền. Khi lượng khách tăng lên, các cơ sở lưu trú sẽ tăng lên và chúng tôi sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của khách quốc tế tới đây.
Chúng tôi có kế hoạch kết hợp với 20 hộ dân ở thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn. Và sau khi phát triển mô hình ở đây thì các thôn bản khác ở Bình Liêu đều có thể phát triển mô hình tương tự.
- Theo ông, tại sao phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào DTTS như Bình Liêu lại cần có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân?
+ Để phát triển du lịch ở miền núi và vùng đồng bào DTTS, văn hóa rất quan trọng. Chúng tôi muốn người khách quốc tế được trải nghiệm văn hóa thực tế. Có nghĩa là gần gũi với người dân hơn, được người dân nấu cơm cho ăn hoặc là nói chuyện với người dân hằng ngày. Chúng tôi kết hợp với người dân để tour du lịch này hoàn thiện hơn.
Cụ thể, tại Khe Tiền, người dân từ trước tới nay mới chỉ biết canh tác nông nghiệp và lâm nghiệp, còn làm du lịch là hoàn toàn mới với bà con nên chúng tôi đến để hỗ trợ họ từ cách xây nhà sao cho phù hợp với tiêu chuẩn của khách nước ngoài. Chúng tôi cũng sẽ đào tạo người dân về làm du lịch từ tiếp khách, nấu ăn, phục vụ… để họ trở thành những người chuyên nghiệp trong phục vụ khách quốc tế sau này.
- Vậy trong câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng tại Bình Liêu, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò như thế nào thưa ông?
+ Tỉnh Quảng Ninh đang rất quan tâm tới phát triển du lịch cộng đồng và Bình Liêu được chọn là một trong những nơi đầu tiên phát triển du lịch cộng đồng. Chính quyền đang có sự hỗ trợ rất lớn. Ví dụ với chuyến famtrip đón các công ty du lịch inbound về khảo sát tại Bình Liêu, huyện Bình Liêu đã phối hợp với chúng tôi để mời các doanh nghiệp làm du lịch quốc tế.
Sau này sẽ có nhiều phát sinh khi đưa khách quốc tế vào Bình Liêu và việc tạo điều kiện của chính quyền có vai trò tháo gỡ rất lớn. Ví dụ bây giờ khách quốc tế vào Bình Liêu nôm na là phải làm “visa con”: Họ phải xin phép vào khu vực biên giới và thủ tục này cũng mất thời gian với khách nước ngoài. Doanh nghiệp mong muốn được sự tạo điều kiện từ phía chính quyền để Bình Liêu đón khách quốc tế thuận tiện hơn, giống như ở những vùng biên giới khác như Cao Bằng hoặc Hà Giang. Thủ tục thuận tiện hơn thì sẽ thu hút được khách du lịch đến với Bình Liêu nhiều hơn.
- Trở lại với thời điểm ban đầu, khi ông mới đi khảo sát để lựa chọn địa điểm phù hợp cho phát triển du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh, lý do nào để ông lựa chọn Bình Liêu?
+ Bình Liêu không chỉ có cộng đồng dân cư với sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt mà còn rất gần với một địa điểm du lịch nổi tiếng là Hạ Long. Khách du lịch khi thăm Bình Liêu họ có thể tham quan địa điểm du lịch nổi tiếng của thế giới Vịnh Hạ Long và ngược lại. Khách có thể đến Hạ Long nghỉ dưỡng và về Bình Liêu để khám phá văn hóa. Bên cạnh Bình Liêu còn có Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái, Ba Chẽ… rất có tiềm năng về du lịch cộng đồng. Sự liên kết giữa các địa phương để phát triển du lịch sẽ giúp du lịch cộng đồng của Bình Liêu nói riêng và du lịch cộng đồng của Quảng Ninh phát triển trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông vì đã dành thời gian chia sẻ!
Ý kiến ()