
Quảng Ninh - Quảng Tây hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Những năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung, giữa tỉnh Quảng Ninh với tỉnh Quảng Tây nói riêng được xây dựng và duy trì bền vững, toàn diện. Đặc biệt, quan hệ hợp tác giữa Quảng Ninh với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang ngày càng đi vào thực chất, đạt được kết nhiều quả tích cực.

Xác định “cán bộ là gốc của mọi công việc”, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Trong đó, việc phối hợp với Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đối với việc bồi dưỡng cán bộ là một trong những nội dung được tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2017 đến nay, thực hiện “Thỏa thuận về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng Cộng sản Việt Nam và Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều đợt cho CBCCVC tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại Học viện Cán bộ TP Bách Sắc (tỉnh Quảng Tây) theo nhiều chuyên đề khác nhau, như: Công tác xây dựng Đảng; đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý, lãnh đạo nữ; chuyên đề về thanh niên; xây dựng ngành nghề hiện đại...
Các đợt tập huấn đã góp phần nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, kỹ năng xử lý công việc cho CBCCVC của tỉnh. Ngoài ra, giúp cho cán bộ tìm hiểu, nắm bắt thêm được tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chủ trương, chính sách của Trung Quốc nói chung, tỉnh Quảng Tây nói riêng, từ đó tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều chủ trương, định hướng phù hợp trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Quảng Ninh với các địa phương của Trung Quốc.

Mới đây, từ ngày 4 đến 13/11/2024, đoàn CBCCVC của Quảng Ninh gồm 8 người đã được cử đi học lớp bồi dưỡng về công tác xây dựng Đảng tại Học viện Cán bộ TP Bách Sắc. Tham gia khóa học, CBCCVC của tỉnh đã được giảng viên là những giáo sư có kinh nghiệm, chuyên gia uy tín về công tác xây dựng Đảng của Trung Quốc truyền đạt nhiều chuyên đề thiết thực, như: Củng cố thành quả xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển nông thôn toàn diện trong hành trình hiện đại hóa; mở rộng cửa đối ngoại, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai chung; hệ thống lãnh đạo và cơ chế làm việc của Đảng Cộng sản Trung Quốc; kinh nghiệm và cách làm tăng cường xây tổ chức đảng; tiếp tục cải cách sâu rộng toàn diện, mở ra triển vọng rộng lớn cho hiện đại hóa...
Đoàn được đi khảo sát thực tế tại 4 thành phố: Bách Sắc, Quế Lâm, Liễu Châu, Nam Ninh; thăm nhà cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam tại Quế Lâm, Bệnh viện Nam Khê Sơn; khảo sát công tác xây dựng Đảng ở cơ sở và tình hình chấn hưng nông thôn ở Quế Lâm, cũng như tham quan tìm hiểu một số KCN, tập đoàn kinh tế và các công trình văn hoá - lịch sử của tỉnh Quảng Tây…

Là Trưởng đoàn cán bộ của Quảng Ninh tham gia lớp bồi dưỡng, đồng chí Lương Văn Luân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hạ Long, đánh giá: Trong quá trình tổ chức lớp học, phía Quảng Tây đã bố trí cán bộ tiếp đón trọng thị, cử đội ngũ cán bộ phụ trách, theo sát mọi hoạt động của lớp, đảm bảo chu đáo, chất lượng các điều kiện phục vụ cho việc học tập. Đội ngũ giảng viên đều là các giáo sư, chuyên gia có kinh nghiệm nhiệt tình giảng dạy, trao đổi, thảo luận với học viên, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng và khả năng tiếp thu kiến thức của học viên. Thời gian học tập lý luận và thời gian đi thực tế cũng phù hợp cân đối, giúp gắn lý luận với thực tiễn. Từ đó, kết quả học tập thu được nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tiễn công tác chuyên môn. Lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Học viện Cán bộ TP Bách Sắc vừa qua không chỉ là cơ hội rất tốt để đội ngũ CBCCVC của Quảng Ninh học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu sâu sắc hơn về công tác xây dựng Đảng tại Trung Quốc, từ đó áp dụng những điểm tích cực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam và của tỉnh, mà còn là hoạt động cụ thể hóa chương trình phối hợp giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây, tô thắm thêm tình hữu nghị bền chặt, quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa 2 địa phương và 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.
Bên cạnh việc phối hợp đào tạo cán bộ, công tác phối hợp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giáo dục nghề nghiệp cũng là nội dung được Quảng Ninh và Quảng Tây quan tâm, chú trọng thực hiện, đặc biệt là với các ngành nghề đang được cả 2 bên ưu tiên, như công nghệ thông tin, du lịch, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo, logistics, công nghệ bán dẫn...

Là một trong những học viên của tỉnh được cử tham gia khóa bồi dưỡng “Nâng cao năng lực giảng dạy chuyên ngành Thương mại điện tử” tại Học viện Kỹ thuật nghề Quảng Tây từ ngày 28/8 đến 11/9/2024, Thạc sĩ Trần Thị Thắm Hồng, giảng viên bộ môn Sinh - Công nghệ sinh học, Trung tâm Tuyển sinh và đào tạo thường xuyên (Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc) chia sẻ: Việc được tham gia khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn tại Quảng Tây có ý nghĩa lớn đối với tôi và các đồng nghiệp. Lớp đào tạo là dịp để chúng tôi củng cố, nâng cao kiến thức chuyên môn, đổi mới và cải tiến phương pháp giảng dạy, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động của 2 nước. Đồng thời, quá trình tham gia lớp bồi dưỡng cũng giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên của Quảng Ninh học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế quý báu, có thể ứng dụng tốt trong công tác giảng dạy tại nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh.
Cùng xác định rõ quan điểm “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”, công tác phối hợp giữa Quảng Ninh với Quảng Tây trong lĩnh vực trọng điểm này còn được thể hiện rõ nét qua hoạt động cấp học bổng, hợp tác trao đổi du học sinh giữa 2 địa phương nhằm phối hợp đào tạo nguồn nhận lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của cả 2 bên trong thời đại mới. Được triển khai từ năm 2014, đến nay đã có 176 lượt học viên của Quảng Ninh tham gia Chương trình học bổng ASEAN của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, trong đó có 157 chỉ tiêu đại học và 19 chỉ tiêu sau đại học. Đến hết năm 2024, có 61 học viên tốt nghiệp, 52 học viên đang học tại các trường đại học/học viện của Quảng Tây, 14 học viên đang học hệ sau đại học. Đa số học viên du học theo chương trình học bổng của tỉnh Quảng Tây sau khi tốt nghiệp đều có việc làm tốt, thu nhập cao.

Nguyễn Ngọc Trà My là một trong những sinh viên được nhận học bổng theo chương trình hợp tác giáo dục giữa tỉnh Quảng Ninh với tỉnh Quảng Tây, hiện đang học năm thứ 2 ngành Hán ngữ, Trường Đại học Quảng Tây. Trà My chia sẻ: Từ khi là học sinh cấp 2, em đã có niềm đam mê tiếng Trung và mong muốn tìm hiểu, khám phá nền văn hoá của Trung Quốc. Nuôi dưỡng đam mê đó, em đã thi đỗ vào lớp chuyên tiếng Trung của Trường THPT Chuyên Hạ Long. Trong quá trình học tập, em đã được thầy chủ nhiệm định hướng con đường du học và giới thiệu về học bổng của Trường Đại học Quảng Tây.
Được lựa chọn để trao học bổng, qua một quá trình học tập, rèn luyện tại Trường Đại học Quảng Tây, em cảm thấy hết sức may mắn khi được thầy cô có bề dày kinh nghiệm giảng dạy dìu dắt và luôn quan tâm giúp đỡ sinh viên trong học tập, cũng như giao lưu văn hóa. Nhà trường không những xây dựng chương trình học tập đa dạng, cung cấp tài liệu học đầy đủ để sinh viên nâng cao kiến thức, mà còn thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, hoạt động ngoại khóa, giúp cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, tạo điều kiện tốt để sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng…
Sau khi tốt nghiệp, em dự định làm việc trong các lĩnh vực như biên dịch, phiên dịch, giảng dạy tiếng Trung, hoặc tại các công ty hợp tác với Trung Quốc. Đặc biệt, em mong muốn đóng góp vào việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Quảng Ninh và Quảng Tây, giúp 2 địa phương và 2 quốc gia hiểu biết, hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội.

Chia sẻ thêm về hiệu quả và định hướng tương lai trong hợp tác giáo dục, đào tạo giữa Quảng Ninh với Quảng Tây, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Châu Hoài Thu cho biết: Chương trình học bổng ASEAN của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ninh đã góp phần bồi đắp thêm mối quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp giữa 2 tỉnh, 2 quốc gia trong suốt thời gian qua. Kết quả việc triển khai chương trình học bổng tại Quảng Tây đang từng bước góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Quảng Ninh.
Để sự phối hợp trong lĩnh vực trọng điểm này tiếp tục sâu rộng và đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu tốt cho tỉnh các vấn đề về chuyên môn; đồng thời giữ mối quan hệ chặt chẽ với các trường đại học/học viện của Quảng Tây trong việc quản lý sinh viên và chất lượng học tập rèn luyện của sinh viên Việt Nam đang theo học; thúc đẩy hợp tác để có thêm chỉ tiêu học bổng ở các ngành, lĩnh vực mà Quảng Ninh đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu phát triển của tỉnh trong kỷ nguyên mới.

Có thể khẳng định, sự hợp tác giữa Quảng Ninh và Quảng Tây trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đang ngày càng sâu rộng, bền chặt, đạt nhiều hiệu quả thực chất, nhất là từ sau chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tại Quảng Tây hồi tháng 2/2024 và sau hội nghị trao đổi công tác giáo dục, ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo giữa đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh với Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây vào tháng 11/2024.
Trong Chương trình Gặp gỡ đầu xuân 2025 giữa Bí thư các tỉnh/khu và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp lần thứ 16 giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 22/2 tại TP Hạ Long, nội dung hợp tác quan trọng này chắc chắn sẽ được đưa ra tổng kết, thảo luận, tìm giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao hơn nữa trong tương lai. Qua đó, kết hợp với sự hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực trọng điểm như giao lưu hữu nghị, quản lý biên giới, thương mại, du lịch... để xây chắc hơn, làm đẹp thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Quảng Ninh với Quảng Tây và giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Ý kiến ()