
Hòn Gai trong ký ức người “xưa nay cũ”
70 năm trước, ngày 25/4/1955, người dân thị xã Hòn Gai đã hân hoan đón chào đoàn quân giải phóng vào tiếp quản khu mỏ từ tay quân Pháp. Thời gian đã trôi qua quá nửa đời người nhưng với nhiều người dân Hòn Gai chứng kiến sự kiện lịch sử ấy, ký ức như chưa phai mờ.
Ký ức của một bác sĩ
Một trong những người đầu tiên tôi gặp đó là ông Ngô Mão, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh. Trong căn nhà ở số 28, ngõ 3, phường Hồng Hải, đường Nguyễn Văn Cừ (TP Hạ Long), ông Ngô Mão dù đã ở tuổi 86 nhưng vẫn trí nhớ đầy đặn, rành rẽ, chia sẻ với người viết bài này.
…Năm 1954, nhà tôi ở phố Thư Ký, thuộc phường Bạch Đằng, TP Hạ Long hiện nay. Bố tôi làm kế toán ngành than Hòn Gai (cũng vì lý lịch trong nhóm “cai ký giám thị” nên tôi gặp không ít khó khăn sau này). Tuy thế, bố mẹ tôi lại được chọn là một trong những địa chỉ tin cậy nuôi dưỡng cán bộ cách mạng bí mật về Hòn Gai chuẩn bị cho ngày tiếp quản khu mỏ (sau mẹ tôi đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về việc này).
Lúc đó tôi là học sinh Trường tư thục Hùng Vương, Hòn Gai cùng với các bạn Trần Quang Tôn, Đồng Văn Vy, Lê Văn Thông… được các ông Dư Văn Tuấn, Trần Văn Trừ giác ngộ, chỉ dẫn, giao nhiệm vụ “tam vận”: Vận động học sinh vào vùng tự do ở xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, dự mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 và Quốc khánh 2/9/1954, vận động đồng bào không để kẻ địch dụ dỗ di cư vào Nam, vận động các tầng lớp nhân dân đón cán bộ, bộ đội vào tiếp quản khu mỏ. Chúng tôi cầm loa đi các ngõ phố tuyên truyền chính sách của cách mạng: Khoan dung cho những người làm việc cho chế độ cũ, vệ sinh phòng bệnh, tập trung thanh thiếu niên ca múa mừng ngày đổi đời.

Những ngày thanh thiếu niên Hòn Gai vào vùng tự do Hoành Bồ rất vất vả, gian nan. Chúng tôi phải đi đò nước mấp mé người, thanh niên “công tử” thành thị phải ăn sắn, khoai trừ bữa. Tuy vậy rất vui nên quên hết mệt mỏi. Đang ở vùng địch tạm chiếm như bị kìm kẹp, nay như được xổ lồng, vinh dự được là công dân của cách mạng, sung sướng nào bằng.
Sau tiếp quản khu mỏ, chàng trai Ngô Mão vào học tại Trường đào tạo Nha khoa, Bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội (nay là Bệnh viện Việt Đức). Tốt nghiệp ra trường, ông được phân công về tỉnh Hải Ninh. Vượt qua trở ngại “lý lịch có vấn đề”, ông kiên trì phấn đấu được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1962.
Năm 1963, sau khi hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh, ông về Trường Y tế tỉnh, sau công tác ở Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Quảng Ninh. Trải qua công tác ở nhiều đơn vị ngành chăm sóc sức khỏe, có thời kỳ ông làm Hiệu trưởng Trường Y tế Quảng Ninh. Năm 1989, ông Ngô Mão đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế, kiêm Hiệu trưởng Trường Y tế Quảng Ninh. Năm 1999, bác sĩ Ngô Mão nghỉ hưu theo chế độ.
Về địa phương, ông Ngô Mão hai lần liên tiếp được bầu là đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng bộ phường Hồng Hải. Hai ông bà có 2 con trai và 2 con dâu, cả 4 người con đều là đảng viên gương mẫu. Một mái nhà giản đơn nhưng rất thoáng mát, ấm áp. Hạnh phúc viên mãn của “lương y như từ mẫu”.
Sóng Bạch Đằng reo mãi
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ta tiếp quản Vùng mỏ (1955-2025), 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), các chiến sĩ tự vệ Bạch Đằng năm xưa, giờ nhiều người đã ngoài tuổi 70-80 kéo nhau đến nhà ông Nguyễn Văn Sót, 88 tuổi - cùng nhau ôn lại chặng đường gần 20 năm hào hùng của đơn vị.
Đại đội tự vệ Bạch Đằng thành lập năm 1958 gồm 3 trung đội: Bạch Đằng, Hạ Long, Lao Động. Đơn vị bao gồm những thanh niên trẻ, khỏe, con em các gia đình lao động, có ý chí, nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ tự vệ, được Chi bộ, Chi đoàn và Ban Chỉ huy Thị đội Hòn Gai chấp thuận; được huấn luyện chính trị, quân sự do Thị đội và Tỉnh đội tổ chức.
Đại đội tự vệ Bạch Đằng được trang bị ban đầu là súng trường, sau có tiểu liên. Trong những năm 1958-1964, đơn vị chủ yếu tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn; phối hợp với công an và lực lượng tự vệ Cơ khí Hòn Gai, Xí nghiệp Bến Hòn Gai hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Lưu Minh Tân hồi tưởng: Bí thư đầu tiên của Chi bộ khu phố Bạch Đằng là cụ giáo Phùng Mạnh Đạm yêu cầu mỗi đảng viên và chiến sĩ tự vệ phải có sổ tu dưỡng, ngày ngày ghi nhận những công việc hữu ích, những khuyết điểm tồn tại cần khắc phục… Trải qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ chính quyền nhân dân, an ninh trật tự trên địa bàn, các thế hệ chiến sĩ đã nối tiếp nhau vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ đối diện thử thách cam go, sẵn sàng hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngay từ ngày đầu thành lập, Đại đội tự vệ Bạch Đằng đã lập chiến công khi phối hợp với bộ đội chủ lực vây bắt biệt kích xâm nhập đảo Tuần Châu, vây bắt bọn tề phỉ âm mưu phá kho mìn Cái Đá. Năm 1959, trong phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba Nhất”, Trung đội tự vệ Bạch Đằng được tặng cờ thi đua xuất sắc, dẫn đầu 17 đơn vị khối phường xã. Danh hiệu đó được duy trì 6 năm liền (1959-1965). Từ năm 1965 trở đi, trung đội liên tục đạt danh hiệu “Quyết thắng”.
Ngày 5/8/1964, tại cầu Ba Đèo, các đồng chí Lưu Minh Tân, Cao Văn Lâm, Hoàng Thị Cát của Đại đội tự vệ Bạch Đằng đã trực tiếp nổ súng chống trả cuộc bắn phá của máy bay Mỹ trên bầu trời thị xã Hòn Gai, góp lửa cùng các đơn vị cao xạ bắn hạ máy bay Mỹ, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên.
Liên tục xây dựng trận địa mới, năm 1965, đơn vị được trang bị 3 khẩu đại liên. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Bút trực tiếp báo cáo được nhận thêm 3 khẩu 12,7mm. Năm 1972 là bước chuyển mới của đơn vị có tính bước ngoặt trong chiến đấu với không quân Mỹ.

Cùng với tổ quan sát trên núi Bài Thơ được nhân dân tôn vinh “Đôi mắt vùng mỏ”, Đại đội tự vệ Bạch Đằng được trang bị súng K44, 12,7mm, lấy bình độ cao 100m của núi Bài Thơ, triển khai tác chiến. Cán bộ, chiến sĩ thay nhau túc trực chiến đấu 24 giờ hằng ngày. Đơn vị tự tổ chức tổ đội hậu cần, cứu thương chăm sóc đời sống, đảm bảo sức khỏe cán bộ chiến sĩ.
Ngoài trận địa núi Bài Thơ, đơn vị xây dựng trận địa Ba Đèo, được trang bị súng 14 ly 5 nhằm nghi binh địch với hàng ngàn công lao động. Ngày 1/8/1966, máy bay Mỹ ném bom đoàn sà lan tại bến tàu Hòn Gai. Trận địa núi Bài Thơ sau khi nổ súng, đơn vị khẩn trương cứu thương vong, cùng Công ty Thị chính đưa tử sĩ vào Cao Xanh mai táng. Trong trực chiến, nhiều chiến sĩ phải uống nước gạo để chống khát. Đồng chí Phong bị rắn cắn vào đầu, đồng đội cõng lên bệnh viện cấp cứu. Ngoài ra, anh em còn thi hành lệnh điều động của Ban Chỉ huy quân sự thị xã di chuyển súng đạn, khí tài, quân trang, quân dụng để sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ chiến sĩ không quản mưa gió đêm hôm, tham gia giải tỏa lương thực, hàng hóa trên Vịnh Hạ Long về các địa điểm an toàn; tham gia cứu thương, đào bới sập hầm, cứu hộ cứu nạn.
Một ngày giữa tháng 8/1966, gia đình đồng chí Sáng, thành viên đơn vị bị bom Mỹ giết hại người vợ thân yêu, đứa con gái duy nhất còn bú sữa mẹ đã được đơn vị nhận nuôi dưỡng. Thề quyết bảo vệ Vùng mỏ, căm thù giặc Mỹ tàn sát đồng bào, đồng đội, có không ít 4-5 thành viên trong cùng một gia đình đứng trong đội ngũ Đại đội tự vệ Bạch Đằng.
Hồi 14h, ngày 16/4/1972, máy bay Mỹ dội bom xuống Hòn Gai, san phẳng phố Thư Ký, có nhiều gia đình mất hết cả người và của cải. Ngay khi tiếng bom vừa dứt, các chiến sĩ Đại đội tự vệ Bạch Đằng đã xông ra đào bới hầm hào, nhà bị sập, đưa người bị thương về hang số 6 cấp cứu; đưa người chết về trường dân lập Bến tàu và chùa Long Tiên để chuẩn bị chôn cất. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Đại đội tự vệ Bạch Đằng thức trắng đêm đó.
Hằng năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, Đại đội tự vệ Bạch Đằng đã cử những đồng chí ưu tú nhất tham gia quân đội. Nhiều thành viên của đơn vị vào Nam chiến đấu đã hy sinh anh dũng như các đồng chí: Phạm Thiên Giảng, Nguyễn Văn Tuân, Bùi Văn Thái, Hoàng Văn Chương, Lưu Văn Ba.
Giữa năm 1975, Đại đội tự vệ Bạch Đằng kết thúc nhiệm vụ vẻ vang sau chặng đường gần 20 năm là đội quân công tác, đội quân chiến đấu lập nhiều thành tích, chiến công vẻ vang. Năm 1973, Đại đội tự vệ Bạch Đằng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 24/6/2005 nhân dân phường Bạch Đằng và Đại đội tự vệ Bạch Đằng được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Ý kiến ()