Hội nhập đồng bộ và toàn diện
Nếu ở Đại hội X, chúng ta có chủ trương “mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế” với mục tiêu “tạo bước ngoặt về hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động kinh tế đối ngoại”, thì ở Đại hội XI sẽ là hội nhập đồng bộ và toàn diện. Như vậy, Đại hội XI chính là bước ngoặt về đường lối đối ngoại của Đảng ta.
Đề cập vấn đề này, đồng chí Phạm Gia Khiêm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định: “Đó là một bước ngoặt thay đổi về chất trong chính sách đối ngoại của chúng ta, bởi “hội nhập quốc tế tức là hội nhập toàn diện, gồm chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục...”.
Tại Đại hội XI, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đã có tham luận với tiêu đề: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa trong giai đoạn mới”. Tham luận khẳng định, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI tiếp tục khẳng định các định hướng lớn của đường lối đối ngoại, đặc biệt là định hướng “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” và phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện” các hoạt động đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước nhằm đưa đất nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Theo đồng chí Phạm Bình Minh, phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại” vừa là sự phát triển lô-gic của đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, vừa là đòi hỏi của định hướng mới: chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đồng thời hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực mang đến cơ hội và thách thức, tạo cho chúng ta khả năng tận dụng được sự tác động qua lại, bổ sung lẫn nhau giữa hội nhập trong từng lĩnh vực.
Ý kiến ()