Hỗ trợ tối đa cho việc cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 17, Thông tư 18 và Quyết định 2345, từ 1/1/2025, các tài khoản cá nhân chưa cập nhật sinh trắc học sẽ bị tạm dừng giao dịch trực tuyến, chưa cập nhật giấy tờ tùy thân mới sẽ tạm dừng mọi giao dịch. Để đảm bảo giao dịch thông suốt, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang tích cực hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin.
Ngay từ đầu tháng 6/2024, Agribank chi nhánh Quảng Ninh đã triển khai đầu tư thiết bị tại quầy giao dịch, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, ra mắt ứng dụng Agribank plus có cập nhật tính năng cài đặt thông tin sinh trắc học. Đồng thời, thông tin đến khách hàng về quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc cập nhật sinh học hoặc giấy tờ tùy thân mới thay cho chứng minh thư bằng nhiều hình thức như: Văn bản, pano, áp phích, tin nhắn… Để đảm bảo cho giao dịch của khách hàng không bị gián đoạn, thông suốt, tiện lợi, đơn vị đã cử cán bộ, nhân viên đến các cơ quan, đơn vị có sử dụng dịch vụ trả lương hỗ trợ cài đặt. Ngoài ra, đơn vị cũng bố trí làm việc ngoài giờ hành chính, cả thứ 7 và chủ nhật đáp ứng nhu cầu cài đặt thông tin sinh trắc học hoặc cập nhật giấy tờ tùy thân mới. Hiện, đơn vị đã cài đặt thông tin sinh trắc học cho trên 42.000 khách hàng, qua đó, tăng cường bảo mật và an toàn cho các giao dịch tài chính, nhất là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/1/2025, khách hàng cá nhân chưa cập nhật thông tin sinh trắc học sẽ chỉ được sử dụng thẻ vật lý để rút tiền tại máy ATM và giao dịch tại máy POS. Các giao dịch khác, bao gồm thanh toán trực tuyến, rút tiền bằng mã QR tại ATM và các giao dịch thẻ điện tử khác sẽ bị tạm dừng. Bên cạnh đó, theo Luật Căn cước 2023, chứng minh nhân dân 9 hoặc 12 số sẽ không còn hiệu lực từ 1/1/2025. Do đó, khách hàng chưa cập nhật giấy tờ tùy thân mới sẽ bị tạm dừng mọi giao dịch, bao gồm tại quầy, trực tuyến và ATM.
Quy định này cũng sẽ áp dụng với các khách hàng là tổ chức từ ngày 1/7/2025. Việc cập nhật thông tin có thể trực tiếp trên ứng dụng Mobile Banking hoặc tại các điểm giao dịch của ngân hàng. Do đó, bên cạnh triển khai giải pháp hỗ trợ, các ngân hàng cũng tích cực tối ưu hóa ứng dụng giúp khách hàng chủ động thực hiện. Đơn cử như MBBank Quảng Ninh, ngân hàng đã cập nhật, phổ biến, hướng dẫn thực hiện tính năng sinh trắc có hội trên ứng dụng tại điện thoại để giúp những khách hàng đang gặp khó khăn trong việc cập nhật sinh trắc có thể nhờ người thân quét hộ sinh trắc học tại nhà mà không phải ra quầy giao dịch. Chỉ cần khách hàng đã cập nhật đầy đủ hồ sơ trực tuyến và hồ sơ sinh trắc học trên mục “Giấy tờ tùy thân”, khách hàng có thể sử dụng ứng dụng MBBank của chính bản thân, chọn tính năng “Sinh trắc có hội” trong mục “Thêm” để cập nhật dữ liệu sinh trắc giúp người thân, bạn bè dễ dàng trong 2 phút. Tính năng này đặc biệt hữu ích con cái, người thân, bạn bè có thể hỗ trợ cập nhật sinh trắc cho nhau mà không lo điện thoại không hỗ trợ công nghệ NFC.
Ông Thái Mạnh Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 3,4 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 2,5 triệu tài khoản đang hoạt động. Thời gian qua, số lượng giao dịch thanh toán trực tuyến tăng mạnh trên địa bàn với khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, việc cập nhật thông tin sinh trắc học là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu các khả năng bị lừa đảo, gian lận, rủi ro trong quá trình giao dịch, đồng thời, là một bước phòng vệ quan trọng, giúp mỗi khách hàng xây dựng được rào chắn bảo vệ tài khoản an toàn. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chủ động thông tin, hỗ trợ, cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân mới cho khách hàng ngay từ đầu tháng 12, từ đó, giảm thiểu tối đa tình trạng gián đoạn, ùn tắc, rủi ro trong giai đoạn cao điểm của thanh toán là những tháng cuối năm này. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng gian lận, lừa đảo, giả mạo ảnh hưởng tới khách hàng.
Ý kiến ()