Hậu kiểm
Phần lớn các doanh nghiệp loại này được thành lập chỉ để mua bán hoá đơn bất hợp pháp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và xâm phạm đến quyền lợi của người khác, tạo sự bất ổn trong môi trường sản xuất, kinh doanh.
Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2010 về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của tỉnh, các đại biểu đã nêu những hiện tượng làm ăn “khó lý giải” của một số doanh nghiệp. Có doanh nghiệp xuất khẩu lỗ dài mà vẫn làm; có doanh nghiệp được thành lập sau một tháng, trong khi cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có gì mà doanh số đạt mức đáng nghi ngờ. Có đại biểu cho rằng, gian lận thương mại bắt đầu từ gian lận giấy chứng nhận kinh doanh. Đăng ký rất nhiều ngành nghề, nhưng tập trung chủ yếu vào thương mại, dịch vụ tổng hợp, không trực tiếp sản xuất hàng hoá là một trong những “bài” của một số doanh nghiệp nhằm đánh lạc hướng kiểm tra.
Để loại trừ việc gian lận của các doanh nghiệp, đồng thời với việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, thì chúng ta phải tích cực tiến hành công tác hậu kiểm doanh nghiệp sau đăng ký.
Vừa qua, UBND tỉnh đã có Quyết định (số 2017/2010/QĐ-UBND ngày 7-7-2010) ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sau đăng ký kinh doanh, việc hậu kiểm đã được thể hiện rõ trong Quy chế này. Cùng với trách nhiệm theo lĩnh vực quản lý của Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục Thuế, Công an tỉnh, các Sở, Ban, Ngành và UBND cấp huyện, thì trách nhiệm cụ thể của UBND cấp xã là rất quan trọng, nhất là việc xác định trụ sở của doanh nghiệp.
Công tác hậu kiểm doanh nghiệp sau đăng ký thể hiện vai trò quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Ý kiến ()