
Hấp dẫn homestay nơi đảo xa
Cô Tô hiện có hơn 130 cơ sở lưu trú đang hoạt động, trong đó các homestay được nhiều du khách yêu thích bởi kiến trúc độc đáo, thân thiện với môi trường và gần gũi với đời sống người dân địa phương. Chính vì vậy, những năm gần đây, mô hình này ngày càng được đầu tư nâng cao chất lượng, có sức thu hút lớn hơn đối với du khách khi đến với đảo xa. Tác nghiệp tại Cô Tô lần này, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu tại 3 homestay tương đối có tiếng tại đây.
Đầu tư ngày càng sang trọng hơn
Nằm tại thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, Cô Tô, Homestay 368 do anh Bùi Đức Khánh (28 tuổi) cùng gia đình quản lý, nằm trong khu vườn rộng tới hơn 3.000m2 với những cây nhãn, xoài lâu niên và hệ thống cây cảnh, hoa được trồng xen kẽ để tạo cảnh quan.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Đức Khánh cho hay, nhận thấy tiềm năng du lịch biển của Cô Tô nên sau khi học xong, anh đã vay vốn để đầu tư làm du lịch từ năm 2019. Anh chọn mô hình homestay nhà gỗ vì thiết kế này được du khách ưa chuộng, có sự gần gũi giữa khách và chủ nhà, có thể dễ dàng tiếp xúc, trò chuyện nhiều hơn. Các căn homestay nằm ở cuối vườn cũng tạo không gian yên tĩnh, giúp cho khách nghỉ ngơi, thư giãn tốt hơn…
Chia sẻ về quá trình đầu tư, anh Khánh kể: Chi phí xây dựng ở đảo thường đắt gấp rưỡi, gấp đôi trong đất liền và tìm thợ tay nghề cao tương đối khó. Anh đầu tư 9 căn homestay, mỗi căn cần chi phí tầm 200 triệu khi đi vào sử dụng nên số vốn tương đối lớn, ngoài vốn của gia đình thì Khánh phải huy động thêm từ nguồn vốn vay. Du khách đến Cô Tô hiện giờ có nhiều sự lựa chọn hơn với các cơ sở lưu trú nhưng homestay 368 có vị trí khá thuận lợi là gần bãi biển Tình Yêu, nên sức thu hút tương đối tốt.

Khác với cảnh quan tự nhiên êm đềm bên ngoài, bước vào tham quan nội thất homestay, chúng tôi khá bất ngờ vì sự chỉn chu, bắt mắt và mùi hương gỗ nhẹ nhàng lan toả trong không gian. Khánh cho hay, anh cùng vợ đã có những chăm chút tỉ mỉ cho nội thất, khâu trang trí các căn phòng để khách lưu trú cảm thấy dễ chịu, ở rồi sẽ muốn quay lại lần thứ hai, thứ ba…
Đi trước 368, Homestay Anh Kiệt của gia đình anh Điệp Quốc Kiên (SN 1985) tại xã Đồng Tiến, đi vào hoạt động từ năm 2015. Từ hai căn nhà gỗ nhỏ, cho tới giờ gia đình anh đã đầu tư mở rộng quy mô với 6 căn nhà gỗ và một căn nhà lớn liền kề. Trong đó, không gian tầng 1 là nơi phục vụ khách ăn uống, các phòng nghỉ được bố trí ở tầng 2-3 với không gian khép kín. Nhà hiện đã đi vào hoạt động còn khuôn viên vẫn còn tiếp tục hoàn thiện...

Anh bảo, nhu cầu của khách hiện nay ngày càng cao hơn, vì vậy anh quyết định đầu tư các phòng khách sạn có mức chi phí tương đối lớn, vào khoảng 180 triệu đồng/phòng, trong đó riêng các thiết bị vệ sinh lên tới 50 triệu đồng/phòng, hướng tới dòng khách có nhu cầu cao hơn về dịch vụ lưu trú trên đảo. Các căn nhà gỗ cũng được chăm lo kỹ lưỡng về phần nội thất, như đệm, vệ sinh, đáp ứng nhu cầu khách nghỉ đòi hỏi cao hơn, không gian có tính riêng tư hơn.
Nằm rất gần với bãi biển Hồng Vàn, Co To Village được anh Đồng Thanh Đăng (Đông Triều) mua lại sau một chuyến ra đảo du lịch, vì yêu thích địa thế hướng biển rất đẹp của homestay. Sau đợt bão vào tháng 9/2024, homestay bị ảnh hưởng khá nặng nên anh quyết định đầu tư cải tạo lại từ các căn bungalow cho tới khuôn viên khu nghỉ. Hiện nay, Co To Village bao gồm khu lễ tân - nhà hàng ăn uống phục vụ khách ăn trong ngày; khu cà phê check in với không gian vườn cây, những luống hoa rực rỡ sắc màu theo mùa, khu ven biển check in hoàng hôn; khu nghỉ với 24 căn bungalow gỗ và 10 căn lều camping.

Trò chuyện cùng Dương Phương Trà, du khách đến từ Hà Nội, đang cùng bạn nghỉ dưỡng tại đây, Trà chia sẻ: Em tìm và đặt phòng qua mạng xã hội, cũng xem trước thấy review, feedback khá tốt. Chúng em đi taxi từ Hà Nội xuống cảng rồi di chuyển ra đảo. Chặng đường xa nhưng bù lại khung cảnh khá yên tĩnh, cảnh quan tự nhiên đẹp, giá cả hợp lý. Khâu phục vụ cũng khá tốt, các nhân viên nhiệt tình, hoà đồng, ăn uống cũng khá hợp, chỉ có sóng wifi thì hơi kém. Em đi du lịch nhiều nơi rồi nhưng vẫn ấn tượng với home vì cảnh quan có vườn hoa, cảnh bên đồi giống như Đà Lạt vậy, ngoài ra còn có view biển, nhiều điểm check in đẹp…
Chu đáo, đồng hành với du khách
Qua tìm hiểu cho thấy, các homestay đa số phục vụ đầy đủ dịch vụ cho khách từ lưu trú, ăn nghỉ, vui chơi. Như Homestay 368, du khách có thể trải nghiệm ẩm thực tại home hoặc BBQ tại quán ngoài bãi biển của gia đình kết hợp teambuilding, gala dinner… Anh Khánh cũng book tour cho khách đi các đảo, trải nghiệm các dịch vụ khám phá, câu cá, mực của dân bản địa giúp du khách khám phá thêm về con người, văn hoá vùng đảo.
Với Co To Village, anh Đăng đã thiết kế riêng một sân khấu với tầm nhìn hướng biển để du khách thoải mái giao lưu, không gian rộng rãi giáp biển của khu nghỉ cũng rất thuận lợi cho tổ chức ăn uống, tiệc BBQ ngoài trời…

Tương tự như vậy, anh Kiên thường dành thời gian để đồng hành với khách. Sau khi xây dựng thêm cơ sở lưu trú, anh cũng đầu tư thêm dàn âm thanh để khách có thể giao lưu văn nghệ ngay tại home. Anh cười bảo, mặc dù cả nhà gỗ và phòng khách sạn được nâng cấp về quy mô, chất lượng phòng nhưng cách vận hành theo hướng homestay của gia đình thì vẫn không thay đổi, thậm chí còn tốt hơn.
Anh bảo: Mình ở đảo, hiểu về vùng biển đảo này còn khách mới đến không phải ai cũng nắm được. Ví dụ, Cô Tô có nhiều bãi biển ở nhiều hướng, tuỳ thuộc vào mùa, thời tiết, thuỷ triều, gió mà bãi ngập hay cạn, sóng to hay êm… Căn cứ vào đó, mình sẽ có những tư vấn để khách lựa chọn được những bãi biển đẹp, sóng êm, có thể tắm biển, check in thuận lợi...
Không chỉ tận tình tư vấn, anh còn đồng hành trong nhiều hoạt động trải nghiệm của khách. Hai vợ chồng anh đều là giáo viên, vì vậy, vào thời điểm trong năm học, anh chỉ có thể đồng hành với khách vào dịp cuối tuần như đưa khách đi câu, tham gia một số hoạt động trải nghiệm như bắt ốc, đánh hà… Còn vào các tháng nghỉ hè anh sẽ đồng hành nhiều hơn. Vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, có những khách quen ra đảo book phòng nghỉ còn gia đình anh thì về quê thăm gia đình, vậy là anh giao cả chìa khoá nhà cho khách ở qua tết...
Anh cười nửa đùa nửa thật bảo: Đây cũng là nguyên do mà home giữ được khách lâu dài mặc dù vị trí cơ sở là ở giữa đảo. Khách book phòng hay hỏi có gần biển không, gần trung tâm không? Không gần gì cả, nhưng ở rồi, khách lại thấy vị trí home ở giữa cũng có thuận lợi riêng khi đến các điểm đều dễ dàng. Và khu vực này cũng rất yên tĩnh cho nghỉ ngơi vào buổi đêm.

Có sự chăm chút kỹ lưỡng, mức đầu tư cao, đáp ứng xu hướng du lịch chất lượng của du khách hiện nay, tuy nhiên mỗi homestay vẫn có những nét riêng trong hoạt động. Lập fangage cá nhân (Homestay Cô Tô Anh Kiệt) vào diện đầu tiên trên đảo từ năm 2015, home của gia đình anh Kiên tập trung chủ yếu vào dòng khách nội, book phòng trên fangage là chính. Anh bảo, hoạt động du lịch của home chủ yếu duy trì khoảng 4 tháng mùa hè. Mùa đông - xuân vẫn rải rác có khách nhưng nhỏ lẻ, chỉ kín vào cuối tuần thì không tính đến.
Với Co To Village cũng vậy, anh Đăng cho hay, anh đã đầu tư khoảng 40 tỷ đồng cho tới nay vào khu nghỉ. Mặc dù có mức đầu tư lớn nhưng Co To Village vẫn thiên về dòng khách nội. Mỗi mùa du lịch, Co To Village đón trung bình khoảng 5.000-6.000 khách đến vào mùa hè và những dịp nghỉ lễ. Lượng khách này được cơ sở khai thác trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, zalo… cũng như do thương hiệu từ xưa của khu nghỉ nên khách chủ động tìm đến.

Mặc dù dòng khách nội cũng chiếm đa số với khoảng 80% và đến chủ yếu vào mùa hè nhưng Homestay 368 còn chú trọng thu hút khách nước ngoài vào mùa đông từ nhiều nguồn khác, đặc biệt là qua các nền tảng đặt phòng nổi tiếng như Booking, Agoda... Để thu hút du khách, anh Khánh đã mày mò học thêm về CNTT, quảng bá tiếp thị trên các phần mềm, mạng xã hội, trau dồi thêm về ngoại ngữ để giao tiếp với khách nước ngoài. Anh cũng mong muốn được chính quyền tạo điều kiện nhiều hơn, được tham gia các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch để có thể làm du lịch tốt hơn…
Ý kiến ()