
Giáo dục toàn diện
Những thông tin về gian lận trong thi cử, những clip lan tràn trên mạng xã hội về bạo lực học đường, những câu chuyện không muốn nhắc về mối quan hệ “không trong sáng” của thầy với trò… Vì đâu ở một đất nước hiếu học, một đất nước với những con người yêu hòa bình, tôn trọng đạo hiếu thầy trò, nghĩa tình dân tộc, sống nhân ái, hiền hòa lại có những câu chuyện buồn đến vậy?
Chuyện gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2018 xảy ra tại Hòa Bình, Sơn La không chỉ là sự vi phạm quy định của một kỳ thi, vi phạm pháp luật mà còn là câu chuyện đạo đức của những người làm cha, làm mẹ, làm thầy, làm cô và trách nhiệm công dân của những đứa trẻ chập chững bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Vụ việc về người thầy nào đó tóc bạc bụi phấn có hành vi dâm ô đối với học sinh của mình khiến những tâm hồn thơ dại hoảng hốt mỗi ngày phải đến trường, khiến chính những đồng nghiệp cầm phấn của mình uất nghẹn, xấu hổ thay.
Những vụ việc bạo lực học đường được quay clip tung lên mạng xã hội khiến rất nhiều người lo sợ, nhiều người không đủ dũng khí để xem hết. Một người bạn tại Nghệ An viết rằng “Tôi không đủ sức khỏe tâm thần để xem hết clip “Nữ sinh Hưng Yên đánh lột đồ bạn giữa lớp” vì nó đã vượt xa cả sự hình dung, cảm giác như sự hung hãn là bất tận”.
Tại hội nghị trực tuyến bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhận định, thời gian qua một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh ngoài giờ chính khóa chưa được chú trọng. Hoạt động trải nghiệm, Đoàn, Hội, Đội chưa thực sự hiệu quả để tạo ra môi trường an toàn, phòng, chống bạo lực học đường. Một số nhà giáo thiếu mẫu mực trong ứng xử, kỹ năng nghiệp vụ sự phạm còn lúng túng trong xử lý các tình huống. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa thực sự được quan tâm và hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên.
Vâng, công tâm, công bằng không nên, không thể và không được chia hết trách nhiệm đó cho giáo dục, những áp lực thi cử, áp lực thành tích không chỉ những tâm hồn “như tờ giấy trắng” phải gánh chịu mà chính những người bắc cầu Kiều cho học trò qua sông cũng phải chịu nhiều tổn thương. Một xã hội mà người người, nhà nhà, cấp cấp, ngành ngành đều mong muốn viết, vẽ thật nhiều chữ lên “tờ giấy trắng”, coi đó như một chỉ số thành công của giáo dục mà quên mất con người lấy đức làm gốc, giáo dục đạo đức làm trọng. Những chỉ lệnh “xử lý nghiêm, cách chức, đình chỉ công tác…” sẽ chỉ là “giấy bọc lửa” khi môi trường xã hội không văn minh, môi trường giáo dục không lành mạnh, khi cha mẹ khoán trắng việc giáo dưỡng con mình cho nhà trường, cho thầy, cô.
Tâm hồn trẻ em giống như tờ giấy trắng, vẽ lên đó những gì là từ sự giáo dưỡng của gia đình, từ môi trường xã hội, từ sự giáo dục của nhà trường. Bố mẹ có gương mẫu thì con cái mới noi theo; xã hội an toàn, văn minh, lành mạnh thì tâm hồn thơ trẻ sẽ được đón nhận bầu không khí sống tốt, thầy cô mẫu mực mới có những học trò ngoan. Bởi vậy giáo dục toàn diện không chỉ là giáo dục trong nhà trường, là trông mong từ thầy, cô, mà cần tạo một môi trường giáo dục lành mạnh, một môi trường xã hội văn minh để giáo dưỡng những con người trí, thể, mỹ, đức. Có lẽ đó mới là giáo dục toàn diện!
Ngọc Lan
Ý kiến ()