Du xuân đầu năm
Đi lễ hội đầu năm, thăm viếng các đền chùa không đơn giản chỉ là để cầu may, cầu tài mà còn là những khoảnh khắc để con người hoà nhập với thiên nhiên cỏ cây hoa lá, được thư giãn tĩnh tâm và được hồi tưởng, trở về với những giá trị văn hoá truyền thống...
Sau Tết Nguyên đán rất nhiều lễ hội được mở. Ở Quảng Ninh tiêu biểu có các lễ hội Tiên Công (Yên Hưng); Yên Tử (Uông Bí); đền Cửa Ông (Cẩm Phả)...; ở các địa phương khác có lễ hội chùa Hương, chùa Thầy, chùa Bái Đính, đền Côn Sơn v.v.. Những lễ hội lớn này là điểm đến của nhiều du khách thập phương. Chính vì vậy dịp sau Tết Nguyên đán nhiều cơ quan, đơn vị đã lên kế hoạch tổ chức cho CBCNV-LĐ đi du xuân, tham quan các di tích, thắng cảnh.
Việc tổ chức cho CBCNV-LĐ đi du xuân đầu năm là cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhiều người. Điều này còn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị và tổ chức Công đoàn đối với người lao động. Tuy nhiên, việc tổ chức du xuân phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật như không đi vào các ngày làm việc, không sử dụng xe công, công quỹ cho việc này. Đặc biệt không để cán bộ, nhân viên sa đà vào các hủ tục mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè bê tha. Việc lựa chọn các điểm tham quan du lịch cũng cần phải khoa học, hợp lý, không quá xa, dài ngày gây mệt mỏi cho mọi người, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc những ngày sau đó.
Các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát, quản lý để các hoạt động du xuân phát huy được tính tích cực, có ý nghĩa, tạo cho CBCNV-LĐ có tâm lý thoải mái, vui tươi, phấn khởi, khích lệ mọi người làm việc với năng suất, hiệu quả cao ngay từ những ngày đầu xuân mới...
Ý kiến ()