Động lực để Quảng Ninh vươn mình trong kỷ nguyên mới
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, lời kêu gọi của Bác như lời hiệu triệu non sông, đã cổ vũ, truyền cảm hứng, động viên, khích lệ mọi tầng lớp nhân dân Vùng mỏ cùng cả nước phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quảng Ninh đã bứt phá nhanh, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Đây là nền tảng, điều kiện quan trọng để Quảng Ninh tự tin, tự lực, tự cường, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phát huy sức mạnh nội sinh
Trong thành tựu chung của tỉnh luôn có sự đóng góp của công tác thi đua - khen thưởng, với các phong trào, khí thế thi đua sôi nổi, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, như: Thi đua thực hiện phát triển hạ tầng giao thông chiến lược phục vụ phát triển KT-XH; chuyển đổi số; xóa nhà tạm, dột nát; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ…
Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện những mô hình hay, gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực. Những điển hình tiên tiến dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào cũng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì cộng đồng, xã hội.
Tại lễ tuyên dương điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Học và làm theo Bác” giai đoạn 2022-2024, tỉnh đã biểu dương, khen thưởng 18 tập thể, 9 cá nhân điển hình tiêu biểu. Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 586 tập thể, 515 cá nhân đăng ký trên 1.100 mô hình cấp tỉnh trong phong trào “Học và làm theo Bác”. Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành một phong trào thi đua, ngày càng lan tỏa và triển khai sâu rộng.
Là một trong những cá nhân điển hình được khen thưởng, cô giáo Bùi Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Cẩm Phả) đã để lại nhiều ấn tượng với việc bền bỉ làm thiện nguyện suốt hơn 20 năm qua. “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm”, là lời căn dặn của Bác luôn được cô giáo Hồng khắc ghi trong hành trình làm việc thiện của mình.
Ban đầu chỉ là việc trao tặng những món quà nhỏ như những bộ quần áo, sách vở và đồ dùng học tập cũ còn dùng được đến những học sinh vùng cao khó khăn. Và khi trực tiếp đến với những nơi khó khăn, cô giáo Hồng cùng các thành viên thiện nguyện càng mong muốn có thể làm được nhiều hơn nữa, để lòng nhân ái, tình yêu thương càng được nối dài, nhân rộng trong cộng đồng. Vì vậy, cô giáo Hồng đã khởi xướng thành lập mô hình “Kết nối trái tim - Chia sẻ cộng đồng” và nhóm từ thiện “Quảng Ninh thân yêu” với hơn 1.000 thành viên tham gia. Từ năm 2021 đến nay, cô giáo Hồng cùng các thành viên đã huy động được khoảng 1,5 tỷ đồng tiền mặt, giúp đỡ kịp thời nhiều hoàn cảnh khó khăn ở cả trong và ngoài tỉnh.
Việc học và làm theo Bác đã trở thành nếp nghĩ, cách làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên và người dân khu Bình Lục Hạ (phường Hồng Phong, TP Đông Triều). Mô hình “Phát huy nội lực, sức mạnh toàn dân, huy động các nguồn lực xây dựng đô thị văn minh” của Chi bộ khu phố được khen thưởng là mô hình “Học và làm theo Bác” điển hình tiêu biểu.
Trong bối cảnh "tấc đất, tấc vàng", song từ năm 2022 đến nay, 118 gia đình khu Bình Lục Hạ đã tự nguyện hiến gần 24.400m2 đất mở rộng đường trung tâm khu, đường phục vụ sản xuất, xây dựng các công trình hồ, khuôn viên nhà văn hóa, khuôn viên cây xanh. Tổng kinh phí xã hội hóa trên 20 tỷ đồng.
Cùng với hiến đất làm đường, Chi bộ khu đã vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đổi mới tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Các hộ dân đã mạnh dạn đăng ký chuyển đổi gần 30ha đầm lầy, ao hồ, ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại hoa, thành lập HTX Dịch vụ du lịch Thiên đường Thiên mục hoa. Từ mô hình liên kết sản xuất hiệu quả đã giúp thu nhập bình quân của người dân đạt 120 triệu đồng/người/năm.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều cá nhân, tập thể đang nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ, nhằm cổ vũ, lan tỏa, đưa các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh ngày càng nở rộ, đi vào chiều sâu, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống, hướng đến mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân.
Nổi bật, từ phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cùng với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, về đích sớm hơn 2 năm so với mục tiêu.
Trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025; TP Đông Triều chuyển mình mạnh mẽ với chiến lược xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị thông minh.
Đặc biệt, sau cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, mặc dù mất mát và thiệt hại to lớn chưa từng có, song càng trong gian khó, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong tỉnh lại càng được khơi dậy mạnh mẽ. Tại các khu dân cư, mỗi người dân là một “ngọn cờ” thi đua đầy trách nhiệm với cộng đồng. Chỉ 7 ngày sau bão, việc thu dọn cơ bản đã hoàn tất. Tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện hùng hậu chưa từng có để khắc phục hư hỏng về điện, viễn thông, nước, giao thông, môi trường. Chỉ 5 ngày sau bão các dịch vụ thiết yếu đã cơ bản được khắc phục hoàn toàn; tỉnh kịp thời tổ chức gặp gỡ, hỏi thăm, chia sẻ với những gia đình không may bị nạn; động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác ứng phó, khắc phục bão số 3; chỉ đạo khôi phục sản xuất ngay các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Và dù thiệt hại, mất mát lớn lao, song Quảng Ninh vẫn sẵn lòng nhường 100 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khắc phục thiên tai cho các địa phương vùng cao khó khăn hơn. Đó là những ngày tháng không thể nào quên với quân, dân tỉnh Quảng Ninh.
TP Hạ Long, thủ phủ của tỉnh mặc dù oằn mình trong bão Yagi với thiệt hại rất lớn, nhưng đã kiên cường đứng lên, nhanh chóng phục hồi phát triển KT-XH. Năm 2024, kinh tế của thành phố tiếp tục tăng trưởng cao, ước đạt 16,5%. Toàn thành phố không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nâng cao của tỉnh.
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến khẳng định: Trong kết quả chung của thành phố luôn có vai trò và sự đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước. Từ các phong trào thi đua đã khơi dậy mạnh mẽ ý thức tự cường, khát vọng vươn lên trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Năm 2024 cũng là năm các cấp, ngành của thành phố gặt hái được nhiều thành công nhất trong cả nhiệm kỳ. Với niềm tin mới, khí thế mới và yêu cầu phát triển mới, toàn thành phố tiếp tục đồng lòng nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khơi thông mọi nguồn lực. Mục tiêu bao trùm đặt ra là phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết năm 2025 và cả nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố; xây dựng và phát triển TP Hạ Long kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; thành phố của đổi mới sáng tạo, thành phố di sản của hoa và lễ hội, cùng đất nước tiến bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Vươn mình trong kỷ nguyên mới
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước và coi đó là một bộ phận quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Người căn dặn: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành bám sát nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cùng với thực tiễn để tổ chức phát động, triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước một cách sâu rộng và có nhiều sáng tạo, đổi mới. Tiêu biểu như các phong trào thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, "Công dân Quảng Ninh ưu tú"; xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; “Dân vận khéo”, “Công nhân tiên tiến tiêu biểu”; “Sản xuất giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao”...
Từ những phong trào thi đua đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhờ đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện được thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tỉnh đã hoàn thành đúng tiến độ phê duyệt danh mục vị trí việc làm các cơ quan khối Đảng, đoàn thể; phê duyệt vị trí việc làm cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền; tích cực thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập, giải thể, cơ cấu lại tổ chức bên trong một số sở, địa phương, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ và hiệu quả hoạt động, tinh gọn tổ chức, bộ máy.
Về kinh tế, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 của Quảng Ninh đạt 100% dự toán, thu hút FDI đạt hơn 2,8 tỷ USD nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, tăng 20,45%, cao hơn 4,05% so với cùng kỳ. Tổng khách du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 19 triệu lượt, tăng 20% cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Quy mô nền kinh tế ước đạt 347.534 tỷ đồng, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 7 cả nước.
Phát triển văn hóa, xã hội và con người có nhiều mặt tiến bộ; an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh ổn định. Nhân dân đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Có thể thấy, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Để Quảng Ninh hôm nay trở thành một cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc với các đặc trưng: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.
Hòa trong khí thế thi đua sôi nổi, mạnh mẽ đó, các đơn vị ngành Than đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua thiết thực, khơi dậy tinh thần của cán bộ, công nhân, nỗ lực cống hiến góp phần xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phát triển bền vững. Từ đầu năm đến nay, toàn Tập đoàn có trên 1.000 đề tài, sáng kiến được công nhận với giá trị làm lợi hơn 28 tỷ đồng. Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân khẳng định: TKV luôn xác định công tác thi đua phải “Toàn bộ - Toàn diện - Toàn thể”, bám sát thực tiễn, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không hình thức nhằm mục tiêu tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống cho người lao động; áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa... Những kết quả tích cực trong các phong trào thi đua đã góp phần hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh của TKV. Cả năm 2024, Tập đoàn sản xuất đạt hơn 37,2 triệu tấn than, tiêu thụ 46,8 triệu tấn. Những kết quả trên đã đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, nộp NSNN tại Quảng Ninh dự kiến hơn 17.600 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch năm 2024.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, đội ngũ CBCCVC-NLĐ không ngừng thi đua học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Toàn ngành y tế đã thực hiện khám bệnh cho trên 3 triệu lượt người; điều trị nội trú trên 380.000 lượt người trong năm 2024. Nhờ đó đã giảm tỷ lệ chuyển tuyến, chỉ còn 3,57%, thấp nhất trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong năm 2023 và 2024, các đơn vị y tế đã triển khai 116 kỹ thuật y tế chuyên sâu ở tất cả các chuyên khoa. Năm 2025, ngành đặt mục tiêu triển khai kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí.
Thi đua yêu nước đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp từ miền xuôi đến miền núi, biên giới, hải đảo; từ thành thị tới nông thôn với sự tham gia tích cực của lớp lớp người dân Vùng mỏ. Đó là cán bộ, chiến sĩ LLVT đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, ngày đêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đó là hàng ngàn giáo viên đã kiên trì đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có nhiều sáng kiến, đổi mới phương pháp dạy học, chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp như lời Bác dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua “dạy tốt, học tốt”. Đó là những CBCCVC tận tụy phục vụ người dân và doanh nghiệp, không ngừng cải tiến phương thức, lề lối làm việc, để lại ấn tượng đẹp về chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Đó là hàng vạn người dân đã đồng thuận, tích cực ủng hộ công tác GPMB các dự án phát triển KT-XH, chung tay xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới...
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thị Thùy Hương, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các phong trào thi đua yêu nước và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, năm 2025, sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh phát động và tổ chức triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước gắn tới việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời phát động đợt thi đua cao điểm, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước, của dân tộc, của tỉnh, chào mừng đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI; tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI năm 2025. Làm tốt bốn khâu trong công tác thi đua, khen thưởng, đó là phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu gắn với chủ đề công tác năm 2025: “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”.
Thêm mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử cao đẹp sẽ góp phần thiết thực để xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta, xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”, mỗi phong trào thi đua yêu nước đã và đang không ngừng đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân Vùng mỏ quyết tâm, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ý kiến ()