
Định vị thương hiệu cảng biển Quảng Ninh
Trong các báo cáo đánh giá tiềm năng, thế mạnh của Quảng Ninh, bao giờ cảng biển cũng được xác định là một trong những lợi thế nổi trội. 250km chiều dài đường bờ biển, 6 khu vực hàng hải như Vạn Gia, Hải Hà, Cô Tô, Cẩm Phả - Cửa Đối, Hòn Gai, Quảng Yên đã khẳng định ưu thế để Quảng Ninh phát triển hệ thống cảng biển và các dịch vụ logistics sau cảng. Nếu như trước đây cảng biển ở Quảng Ninh chỉ có sự hỗ trợ bằng giao thông đường bộ với các tuyến quốc lộ, đường sắt kết nối thì nay có các tuyến đường cao tốc, sân bay cùng hỗ trợ cho các dịch vụ sau cảng.
Làm thế nào để phát huy được cảng biển và dịch vụ cảng biển, để lĩnh vực là lợi thế đặc biệt này không phải là đóng góp tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GRDP là 0,42% (năm 2018) mà đến năm 2030 phải đóng góp được từ 3-3,5% trong GRDP của tỉnh?
Lời giải sẽ phải bắt đầu từ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, để định vị hướng phát triển, các giải pháp tổ chức thực hiện. Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 vừa được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ những việc Quảng Ninh cần phải làm trong giai đoạn tới.
Đó là việc phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển phải gắn liền với việc tiếp tục hoàn thiện và phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại khác của tỉnh, với thương hiệu được định vị là “Cảng biển Quảng Ninh xanh, sạch, hiện đại, thông minh”. Thương hiệu đó là khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, quốc tế, hình thành các trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao, cảng biển phải phục vụ được cho du lịch biển phát triển, dịch vụ cảng biển là một trong lĩnh vực dịch vụ quan trọng của tỉnh.
Điểm nhấn cho bước khởi tạo để phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển là trong giai đoạn 2019-2025, đầu tư hoàn thành cảng khách quốc tế Hòn Gai theo tiêu chuẩn cảng khách du lịch quốc tế, hình thành các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực Vịnh Cửa Lục; khu vực Quảng Yên đầu tư phát triển thành khu dịch vụ hậu cần sau cảng và logistics… Trong giai đoạn 2026-2030, đầu tư xây dựng cảng khách quốc tế Vân Đồn theo tiêu chuẩn cảng khách du lịch quốc tế và các bến du thuyền, cảng Vạn Hoa xây dựng thành cảng lưỡng dụng, khu Đầm Nhà Mạc (TX Quảng Yên) là cốt lõi của khu dịch vụ hậu cần sau cảng và logistics…
Riêng đối với dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics, điểm đang rất hạn chế của kinh tế cảng biển Quảng Ninh sẽ được tập trung chỉ đạo phát triển các dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê kho bãi tại các khu vực có tiềm năng và lợi thế ở Quảng Yên, Móng Cái, dịch vụ kho bãi phục vụ hàng tổng hợp, hàng ngoại quan, hàng biên mậu tại khu vực Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái… Đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính tại các cảng biển sẽ xây dựng và triển khai đồng bộ cơ chế quản lý, điều hành cảng bằng công nghệ tiên tiến, thực hiện thủ tục “một cửa” hiện đại, liên thông của các cơ quan chuyên ngành tại chỗ, tiến tới áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với hải quan, cảng vụ hàng hải Quảng Ninh. Áp dụng hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển cho 100% các khu bến, bến cảng có hoạt động xuất nhập khẩu.
Quảng Ninh sẽ ưu tiên dùng nguồn lực ngân sách để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông kết nối để tạo động lực thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư hệ thống hạ tầng cảng biển.
Định vị thương hiệu cảng biển và dịch vụ cảng biển trong bối cảnh phát triển cảng biển của cả nước, quốc tế, trong mối liên kết với các ngành kinh tế để tiềm năng, lợi thế thực sự phát huy được, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung là mục tiêu mà tỉnh Quảng Ninh quyết tâm triển khai thực hiện.
Ngọc Lan
Ý kiến ()