
Điện tăng giá: Tiết kiệm, tiết kiệm điện!
Trong tuần qua, Bộ Công Thương đã thông báo điều chỉnh giá điện năm 2019, với mức tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành. Theo đó, giá điện tăng từ 1.720 đồng lên khoảng 1.850 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).
Theo đại diện Bộ Công Thương cho biết, tác động của việc tăng giá điện năm 2019 đối với khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 200-300kWh phải trả thêm khoảng 53.000 đồng; trên 400kWh sẽ phải trả thêm trung bình khoảng 77.000 đồng. Riêng đối với các hộ sử dụng điện nhiều dùng cho kinh doanh sẽ phải trả thêm 500.000 đồng/khách/tháng. Đối với hộ sản xuất, mỗi hộ trả thêm khoảng 869.000 đồng/khách hàng sản xuất.
Cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương lần tăng giá điện này cũng đã được tính toán tới tác động chung nền kinh tế, theo đó mức tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%.
![]() |
Là nguyên liệu đầu vào quan trọng của tất cả các ngành sản xuất nên trong 2 năm qua ngành Điện đã duy trì ổn định mức giá bán điện. Tuy nhiên, do tổng chi phí đầu vào tăng, nên nếu không tăng giá điện ngành sẽ không có khả năng chi trả và không đảm bảo cung cấp điện. Cụ thể, giá than, giá khí đã thực hiện theo điều chỉnh không có khả năng chi trả sẽ gây ùn ứ trong nền kinh tế, ngành Điện không trả được ngành Than, ngành Than không duy trì được sản xuất và nếu dẫn đến thiếu điện sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Theo Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất điện năm ngoái và đầu năm nay đã bị đội lên gần 21.000 tỷ đồng, bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và giá khí bao tiêu theo thị trường. Như vậy ngành Điện phải tăng giá bán để đảm bảo các điều kiện sản xuất đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và của mỗi người dân.
Giá bán điện đã tăng, đương nhiên tiền điện của các gia đình phải trả sẽ tăng, giá thành của các sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo và người tiêu dùng sẽ phải chi thêm tiền. Đối với nhà tiêu dùng là hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt, những hộ thu nhập thấp, những người lao động đang thuê nhà ở trọ thì nỗi lo tác động của giá điện tăng bắt đầu từ đóng tiền điện tháng 3 tới đây.
Còn đối với các doanh nghiệp, giá điện tăng, chi phí sản xuất chắc chắn sẽ tăng theo, như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Theo chia sẻ của một doanh nghiệp ngành dệt may, thì đây là ngành tiêu tốn nhiều điện năng phục vụ cho sản xuất, khi giá điện tăng thì sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng, trong khi ngành đang trong cuộc cạnh tranh rất gay gắt với các nước trong khu vực, không thể tăng giá bán sản phẩm, vì vậy khó khăn đẩy thêm cho doanh nghiệp sản xuất ở lĩnh vực này.
Áp dụng triệt để các biện pháp tiết kiệm điện - đây có lẽ vẫn là giải pháp tối ưu nhất đối với hộ gia đình cũng như hộ sản xuất trong thời điểm hiện nay. Tiết kiệm điện đối với các hộ sử dụng điện là điều đương nhiên, nhưng với các doanh nghiệp sản xuất muốn tiết kiệm được một cách triệt để buộc phải đầu tư công nghệ, chi phí lớn, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng ngay lập tức có khả năng đầu tư “một cục” công nghệ để tiết kiệm điện.
Điện tăng giá, mọi khoản chi sẽ phải tăng theo, nỗi lo này là của mọi nhà! Trong khi chưa có giải pháp làm sao để điện không rập rình tăng giá, để ngành Điện “sống khỏe” không phải nhờ tăng giá điện theo lộ trình thì tiết kiệm, tiết kiệm điện tối đa vẫn là giải pháp tối ưu nhất!
Ngọc Lan
Ý kiến ()