Khí thế thi đua ở Than Đèo Nai-Cọc Sáu
Những ngày này, trên mỗi công trường, phân xưởng của Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV, nhịp lao động sản xuất đang rất khẩn trương, sôi động, trở thành khí thế cao trào để đơn vị hoàn thành những phần việc cuối cùng của một năm bộn bề khó khăn, đầy biến động nhưng cũng nhiều dấu ấn đặc biệt. Dù gặp nhiều khó khăn, song, đây vẫn là đơn vị điểm sáng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về sản xuất kinh doanh trong năm 2024.
Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu -TKV được hợp nhất kể từ ngày 26/6/2024 trên cơ sở hợp nhất Công ty CP Than Đèo Nai –Vinacomin và Công ty CP Than Cọc Sáu -Vinacomin. Hoạt động trong mô hình hợp nhất, đơn vị nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của TKV và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, công nhân lao động. Dẫu vậy, năm 2024 là một năm khó khăn chưa từng có với Công ty.
"Diện đổ thải, điều kiện khai thác của đơn vị ngày càng xuống sâu, độ cao nâng tải ngày một lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ sản xuất của Công ty. Khối lượng bùn moong lớn, chủ yếu ở khai trường Cọc Sáu đã ảnh hưởng đến việc xử lý, tốn chi phí, gây khó khăn cho việc tiếp cận lấy than và ảnh hưởng đến chất lượng than. Đây là nguyên nhân chính khiến chỉ tiêu than nguyên khai sản xuất - tiêu thụ và doanh thu của Công ty không đạt cao như mong muốn" - ông Trần Đức Vinh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ mỏ, Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV cho biết.
Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến cực đoan, khó lường, bắt đầu từ quý III với những trận mưa lớn, kéo dài khiến sản xuất trên khai trường phải gián đoạn ở một vài thời điểm. Đặc biệt, sự tàn phá của Siêu bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ SXKD của công ty.
Vượt lên những khó khăn về tổ chức hoạt động của mô hình mới, những biến động của thị trường và ảnh hưởng của thiên tai, Than Đèo Nai - Cọc Sáu vẫn đảm bảo hoàn thành mọi chỉ tiêu sản lượng được giao. Một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cơ bản vượt so với kế hoạch.
Trong đó, sản lượng than sản xuất đạt trên 1,83 triệu tấn, tăng 12% so với kế hoạch. Than tiêu thụ đạt trên 1,97 triệu tấn, tăng 15% kế hoạch. Doanh thu toàn Công ty đạt trên 3.343 tỷ đồng, tăng 14%. Bình quân thu nhập của người lao động đạt trên 13 triệu đồng/người/tháng.
Đạt được những kết quả này trong điều kiện vô cùng khó khăn vừa qua, công tác chuyên môn của đơn vị đã thể hiện các giải pháp chủ động và linh hoạt.
Theo đó, các đơn vị chuyên môn đã tổ chức điều hành bám sát kế hoạch, phương hướng tiến độ sản xuất của Công ty, bố trí thiết bị hợp lý, phù hợp với tùy từng điều kiện, ưu tiên bố trí xe giao ca vào các máy có điều kiện tốt hoạt động sớm. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị tăng giờ hữu ích, giảm giờ ngừng trong ca, từ đó tăng năng suất, giảm chi phí và giá thành sản xuất.
Đơn vị cũng chỉ đạo công tác làm đường phục vụ sản xuất; tập trung đẩy nhanh tiến độ các tầng để lấy than sản xuất đảm bảo kế hoạch giao than nguyên khai; tăng cường sản xuất các loại than sạch, đặc biệt là than cục để tiêu thụ theo nhu cầu thị trường ổn định doanh thu Công ty.
Khâu bốc xúc và chọn lọc than để ra tối đa than tốt đảm bảo kế hoạch phẩm cấp cũng được chú trọng. Công tác bơm nước cũng được tăng cường năng lực theo hướng bố trí thiết bị rút ngắn thời gian đấu nối, sửa chữa, chuyển bơm và ống bơm; phối hợp với Trạm xử lý nước thải vận hành các cụm bơm thoát tối đa ở cả 2 khai trường để đẩy nhanh tiến độ hạ moong của Công ty.
Các phòng ban chuyên môn tăng cường quản lý công nghệ, nâng cao chất lượng hộ chiếu khai thác, giảm tối đa khối lượng các công việc phục vụ phát sinh ngoài kế hoạch, nâng cao hệ số phá đá kỹ thuật, hệ số sử dụng mét khoan, nâng quy mô bãi nổ...
Trên cơ sở những biện pháp kỹ thuật – công nghệ đã được ban hành, các đơn vị, công trường, phân xưởng chủ động khâu triển khai, thực hiện phù hợp tình hình thực tế.
Ngoài ra, để đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, ngay từ đầu năm công ty đã áp dụng một cách đồng bộ giữa các biện pháp về công nghệ điều hành sản xuất và các biện pháp quản trị chi phí.
Theo đó, Công ty giao khoán giá thành cho các công trường phân xưởng theo các yếu tố: chi phí vật liệu trực tiếp, chi phí nhiên liệu trực tiếp, chi phí điện năng, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí bảo hiểm, khấu hao và chi phí khác. Sản phẩm sản xuất tiêu thụ của từng đơn vị nhận khoán được các tiểu ban của Công ty tiến hành nghiệm thu hàng tháng.
6 tháng sau hợp nhất, đến nay, việc làm và đời sống của người lao động Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV được đảm bảo. Đến thời điểm này, tổng số lao động Công ty là 3.569 người, đảm bảo định biên lao động của TKV.
Ý kiến ()