Đến xứ Huế, ghé làng Địa Linh xem làm tượng ông Táo
Những ngày cuối năm Âm lịch, làng Địa Linh, phường Hương Vinh, quận Phú Xuân, thành phố Huế, lại nhộn nhịp với công việc đúc tượng ông Táo để xuất bán dịp 23 tháng Chạp – ngày “ông Táo về trời”.
Theo tục lệ cổ truyền, cứ đến dịp 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, Táo Quân – vị thần trông coi bếp núc lại cưỡi cá chép bay về trời, báo lại mọi việc xảy ra trong năm qua.
Để bày tỏ lòng thành, các gia đình sẽ làm một mâm cơm tiễn “ông Táo về trời”. Bàn thờ ông Táo cũng được lau dọn sạch sẽ và thay mới tượng ông Táo để cầu năm mới may mắn. Trải qua hàng trăm năm, tục lệ ấy vẫn được gìn giữ cho đến hôm nay.
Để hoàn thành được một bức tượng ông Táo, đòi hỏi thực hiện nhiều công đoạn. “Thông thường, công đoạn nhồi đất sét cho mịn là vất vả nhất. Khối đất to trộn với nước, chia thành từng khối nhỏ, nhồi đến khi nào mềm nhão và lấy hai ngón tay vân vê thấy mịn là được", ông Võ Văn Đức, người nặn tượng ông Táo ở làng Địa Linh, chia sẻ.
Đất được cho vào khuôn, nén chặt và gạt bỏ đi phần đất thừa bên ngoài, bộ tượng ông Táo hoàn thành. Người thợ cần kiểm tra lại hoặc chêm thêm đất rồi đặt nhẹ xuống sàn nhà để tạo bề mặt phẳng giúp tượng đứng thẳng được. Điều thú vị là để có những bức tượng ông Táo đẹp, sắc nét, khuôn đúc tượng thường được làm từ gỗ lim.
Sau khi đúc xong, những bức tượng ông Táo được mang ra phơi nắng cho khô trước khi đưa vào lò nung. Những ngày không có nắng, người thợ dùng quạt điện để hong tượng nhanh khô hơn. Khi đã khô cứng, khoảng 5.000 bức tượng được người thợ xếp vào lò. Sau đó, trấu được đốt để nung.
Những dãy dài các bức tượng được người thợ cẩn thận, chêm thêm từng vụn gạch nhỏ để tạo khoảng cách. Qua một ngày đêm, tượng được lấy ra khỏi lò, đây là công đoạn mất khá nhiều thời gian.
Tượng ông Táo có nhiều loại, nổi bật nhất là loại được tô màu và rắc kim tuyến. Ngoài ra, cũng có những bức tượng ông Táo được trang trí đơn giản hơn bằng việc quét qua một lớp sơn màu cánh gián.
Ý kiến ()