
Để thu ngân sách quý II vượt trên 11.200 tỷ đồng
Thu ngân sách nhà nước quý I năm 2019 của toàn tỉnh đang có nhiều tín hiệu rất đáng mừng với tổng thu ngân sách đạt 12.224 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng đối với thu ngân sách nhà nước do cấp huyện thực hiện tăng 22% so với cùng kỳ. Về chi ngân sách nhà nước cũng đang được thực hiện tốt, nguồn vốn bố trí cho chi đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung, chiếm tỷ trọng cao trong chi ngân sách địa phương, từ đó giảm đáng kể nợ đọng xây dựng cơ bản trên toàn tỉnh.
Các giải pháp trong điều hành ngân sách đang được các địa phương tập trung thực hiện tốt như: Bám sát cơ cấu các khoản thu giao dự toán, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, đối tượng thu, giảm đáng kể thất thu trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, thanh tra về giá. Đặc biệt các địa phương đã có nhiều giải pháp trong nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu ngân sách, cân đối nguồn chi cho đầu tư phát triển, tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước chủ động, tích cực, đảm bảo.
Bên cạnh những kết quả trên, trong thực hiện thu ngân sách nhà nước vẫn còn nhiều điểm cần lưu ý đã được chỉ rõ tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo tăng cường điều hành thu - chi ngân sách tỉnh vừa qua. Đó là, một số khoản thu thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng vi phạm chế độ, chính sách quản lý thu, chi ngân sách, lãng phí trong sử dụng tài sản công, thất thu ngân sách ở một số lĩnh vực chưa có giải pháp xử lý, nhất là thất thu ngân sách nhà nước ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, hộ kinh doanh cá thể…
Điển hình như thu từ hộ kinh doanh cá thể, năm 2019, ngành Thuế đã lập sổ bộ thuế đạt trên 22.000 hộ, nộp ngân sách quý I đạt trên 93 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu đối với hộ kinh doanh còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng và thực tế kinh doanh; công tác phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thống kê rà soát đối tượng quản lý thuế chưa kịp thời. Việc xác định số thuế phải nộp chưa sát thực tế hoạt động kinh doanh. Nhất là đối với các hộ kinh doanh lĩnh vực dịch vụ, du lịch, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, vận tải…
Theo đánh giá của cơ quan Thuế, hoạt động thu ngân sách nhà nước năm nay còn gặp nhiều khó khăn do một số khoản thu dự kiến giảm hoặc khó khăn trong công tác thu, như: Thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu nợ, cưỡng chế nợ thuế... Nguyên nhân một phần do cơ chế chính sách của Nhà nước hiện nay chưa hoàn thiện, ảnh hưởng tới hoạt động thu ngân sách tại địa phương; mặt khác do nền kinh tế chưa đạt được sự tăng trưởng như mong muốn, nên số thu từ doanh nghiệp, kể cả trung ương và địa phương đều chưa có bứt phá. Cùng với đó, dư địa thu ngân sách nội địa năm 2018 cơ bản đã hết, không còn chuyển sang năm 2019.
Để thu ngân sách nhà nước quý II vượt con số 11.283 tỷ đồng, các giải pháp điều hành thu ngân sách cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải được xác định tiếp tục là giải pháp quan trọng để tăng nguồn thu cho ngân sách. Các khoản thu cần được rà soát, điều chỉnh hợp lý, phù hợp với quy luật thị trường. Cơ quan chuyên môn và các địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm nộp thuế; theo dõi thường xuyên, chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, dự báo thu hằng tháng, quý sát đúng với thực tế phát sinh.
Ngọc Lan
Ý kiến ()