
Dễ như học cao đẳng
Sắp đến kỳ thi THPT quốc gia, mà trước mắt là kỳ thi vào lớp 10 nên vấn đề thi cử được nhiều người nhắc đến. Trong đó, một trong những nội dung được người dân quan tâm là việc Bộ LĐ,TB và XH vừa ban hành Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ,TB và XH quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng.
Điểm mới của thông tư là sửa đổi đối tượng tuyển sinh cao đẳng. Theo đó, đầu vào của tuyển sinh trình độ cao đẳng không chỉ là học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, mà còn là người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Điều đặc biệt là học sinh tốt nghiệp THCS nếu có nguyện vọng thì có thể học liên thông lên trình độ cao đẳng, nhưng phải học, thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp. Theo chương trình này thì học sinh sẽ học 4 môn văn hóa trong năm đầu, tùy theo ngành học, trong đó toán, văn là môn bắt buộc. Hai năm tiếp theo học chương trình trung cấp, sau khi hoàn thành sẽ học tiếp 1 - 1,5 năm để lấy bằng cao đẳng.
Có thể thấy đây là cơ chế mở đối với học sinh THCS để có thể học lên trình độ cao đẳng mà không phải mất nhiều thời gian học THPT, qua đó cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập đến sớm hơn, giảm bớt sự lãng phí trong đào tạo. Việc này cũng giúp cho công tác phân luồng học sinh hiệu quả hơn và các trường được mở rộng đối tượng tuyển sinh.
Thời gian qua, việc thừa thầy, thiếu thợ vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm. Có lẽ với thông tư mới này sẽ giúp nhiều học sinh quyết định đi học nghề thay vì học lên THPT, theo đuổi con đường đại học.
Vấn đề đặt ra bây giờ là các trường, ngành chức năng liên quan phải làm thế nào tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn để phụ huynh, học sinh hiểu ra và đây là việc làm quan trọng, quyết định đến nếp nghĩ của phụ huynh, học sinh. Nếu như trước kia, các trường cao đẳng chỉ tuyên truyền, tư vấn tại trường THPT thì nay công việc này tập trung cả ở trường THCS, qua đó thông tin đến học sinh những điểm mới, thuận lợi trong việc xét tuyển cao đẳng.
Cùng với đó, các trường phải thay đổi phương pháp giảng dạy, đào tạo sao cho sát thực tế, tăng cường thực hành để tránh cảm giác nhàm chán. Bởi ở lứa tuổi THCS các em chưa trưởng thành, chưa xác định được mục tiêu nên rất dễ “bỏ cuộc”. Chính vì vậy việc truyền cảm hứng học tập cũng như hiểu tâm lý của học sinh là vấn đề quan trọng.
Những năm qua, đa phần các trường trung cấp, cao đẳng nghề đều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Lý do là vì học sinh đều có xu hướng học lên THPT rồi thi đại học, chứ không muốn học nghề. Do vậy, Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH được cho là “liều thuốc” kích thích để học sinh THCS đi học nghề và cũng giúp các trường trung cấp, cao đẳng nghề có cơ hội tuyển sinh được nhiều học sinh hơn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc học nghề phải đi đôi với có việc làm ngay sau khi ra trường, thậm chí là có việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường đối với những học sinh, sinh viên xuất sắc. Để làm được điều đó thì các trường phải hết sức năng động, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, công ty, nhà tuyển dụng lao động để giúp học sinh, sinh viên tiếp cận với công việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, qua đó nâng cao trình độ, tay nghề để khi ra trường học sinh, sinh viên không còn bỡ ngỡ mà đáp ứng được ngay yêu cầu công việc của các doanh nghiệp.
Hi vọng rằng, với tính mở của Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH sẽ “cứu cánh” cho các trường trung cấp, cao đẳng nghề, cùng với đó là giải bài toán “thừa thầy nhưng thiếu thợ”, đặc biệt là thợ có tay nghề, kỹ thuật cao.
Thái Bình
Ý kiến ()