Đẩy mạnh xã hội học tập
Với ý nghĩa đó, Nghị quyết đầu tiên (số 01/NQ-TV) của Ban Thường vụ khoá XIII được ban hành chỉ đạo việc đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ CNH, HĐH giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020.
Trong Nghị quyết này đã chỉ rõ: Xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần phát triển Quảng Ninh cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Không chỉ vậy, xây dựng xã hội học tập còn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và là một nội dung quan trọng trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Việc xây dựng xã hội học tập được cụ thể hoá qua những mục tiêu trong Nghị quyết 01. Đó là, đến năm 2011, 100% số thôn trên địa bàn tỉnh có nhà văn hoá đạt chuẩn, có điểm đủ điều kiện truy cập Internet và thư viện dùng chung; 100% xã có bưu điện - văn hoá xã. Ở mốc 2012: 100% trường học mầm non, mẫu giáo đạt chuẩn; 100% xã có nhà văn hoá đạt chuẩn. Và ở năm cuối của nhiệm kỳ (2015), phấn đấu có 60% hộ gia đình được công nhận là gia đình hiếu học, 80% dòng họ trở lên là dòng họ hiếu học, 80% trường học, cơ quan, doanh nghiệp trở thành đơn vị hiếu học; 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và thành viên các tổ chức chính trị xã hội được tham gia các khoá đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ... và có chương trình tự học vươn lên.
Để từng bước đạt được các mục tiêu trên, chắc chắn cần phải huy động mọi nguồn lực, vận dụng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, không thể không đề cập tới việc chuyển đổi từ mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình giáo dục mở, hiện đại.
Ý kiến ()