Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC
Thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xác định đây là mục tiêu xuyên suốt, là yếu tố mang tính then chốt để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đã đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng phù hợp với nhiệm vụ cải cách hành chính và tình hình thực hiện nhiệm vụ của địa phương.
Trên thực tế có nhiều loại hồ sơ hành chính có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều cơ quan, phải qua nhiều đầu mối mới có kết quả cuối cùng. Để nền hành chính trở nên dân chủ, minh bạch, có tính chuyên nghiệp hơn; mang lại sự thuận tiện cho người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông đặt ra yêu cầu các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp trong quy trình xử lý hồ sơ, không để tổ chức, công dân cầm hồ sơ đi từ cơ quan này tới cơ quan khác. Người dân có nhu cầu chỉ phải nộp hồ sơ và nhận lại kết quả tại một đầu mối. Những cải cách này đã giúp cho cơ quan hành chính nhà nước phục vụ ngày càng tốt hơn những nhu cầu của người dân.
Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh các sở, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản triển khai tại cơ quan, đơn vị trực thuộc đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tiễn tại đơn vị. Trong đó, việc rà soát, đưa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã được thực hiện thường xuyên.
Đến cuối năm 2023, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh là 1.759 TTHC (trong đó: Cấp tỉnh 1.357 TTHC, cấp huyện 280 TTHC, cấp xã 122 TTHC). Tổng số TTHC được giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 1.304, gồm: 1.254 TTHC của các sở, ngành thuộc tỉnh, 32 TTHC của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, 18 TTHC của doanh nghiệp; cấp huyện, cấp xã đã đưa 100% TTHC vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; ngoài ra còn giải quyết một số TTHC của các cơ quan ngành dọc như Thuế, BHXH, Công an và các doanh nghiệp điện, nước với số lượng tùy thuộc vào đặc thù của mỗi địa phương.
Hiện nay, 100% các TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã được xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC, đảm bảo phân rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết gắn với công tác rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định và được cập nhật công bố, niêm yết công khai theo quy định. Việc xây dựng và ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng TTHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định để áp dụng thực hiện đồng bộ, thống nhất chung trong toàn tỉnh và công khai, minh bạch để tổ chức, người dân nắm được và cùng tham gia giám sát việc thực hiện. 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã được công khai trên cổng dịch vụ công của tỉnh và được đồng bộ công khai trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong năm 2024, Quảng Ninh sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ cải cách TTHC tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời rà soát, đơn giản hóa các TTHC trong nội bộ tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định; nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC... Cùng với đó, tăng cường kiểm tra đột xuất công tác giải quyết TTHC và việc triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.
Ý kiến ()