Đấu tranh, phòng chống vi phạm về pháo nổ
Trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT dịp cuối năm, nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về pháo nổ là một trong những nội dung được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng. Cùng với việc tăng cường lực lượng, phương tiện để siết chặt các mũi kiểm tra, xử lý, công tác tuyên truyền, vận động cũng được phối hợp đẩy mạnh để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội.
Những ngày qua, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, tai nạn liên quan đến pháo nổ đã xuất hiện tại một số địa phương trong cả nước. Bao gồm các vụ việc mua bán pháo trái phép, vận chuyển pháo lậu qua biên giới vào nội địa, tự chế pháo nổ tại nhà riêng... cho tới những ca chấn thương nặng, đe dọa đến tính mạng vì sử dụng pháo.
Tại Quảng Ninh, ngày 17/12, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) đã phát hiện, bắt giữ nhóm các đối tượng trú tại TX Kinh Môn (Hải Dương) và TP Đông Triều (Quảng Ninh) về hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo nổ. Khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng này, Cơ quan CSĐT thu giữ 153kg quả pháo nổ các loại do nước ngoài sản xuất và một số công cụ, vật dụng, hóa chất sử dụng để sản xuất pháo. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó tại TX Quảng Yên, Công an phường Tân An cùng lực lượng an ninh cơ sở trong quá trình tuần tra đã phát hiện nhóm 4 thiếu niên (cùng sinh năm 2012) đang tụ tập xem hướng dẫn chế tạo pháo nổ trên Internet. Qua lời khai ban đầu cho thấy, nhóm này đã đặt mua một số chất, vật liệu, dụng cụ chế tạo pháo, tuy nhiên chưa thực hiện được hành vi vi phạm pháp luật thì đã bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Có thể thấy, cứ đến thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, tình hình vi phạm pháp luật về pháo nổ lại có chiều hướng diễn biến khá phức tạp, tập trung ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến ANTT. Để đảm bảo an ninh, an toàn từ sớm, từ xa, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 05/CĐ-CTUBND ngày 9/10/2024 về việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, yêu cầu các ngành, địa phương triển khai sớm các giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, từ cấp xã, cấp huyện đã chủ động xây dựng phương án phù hợp với từng địa bàn để tăng cường đấu tranh, phòng chống pháo nổ dịp cuối năm. Nhất là việc huy động tối đa lực lượng ngay từ các địa bàn cơ sở, phối hợp với công an tổ chức tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn; không để hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai đồng bộ các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn những trang mạng hướng dẫn chế tạo, sản xuất, mua bán trái phép pháo, vật liệu nổ; thu thập tài liệu, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng không gian mạng, dịch vụ bưu chính để mua bán, vận chuyển pháo nổ trái phép...
Công tác tuyên truyền cũng đang được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng các ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai trong dịp này. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc lan tỏa thông tin, giúp đoàn viên, hội viên, nhân dân nắm vững các khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của pháo nổ, các mức xử phạt liên quan đến pháo nổ. Đặc biệt là quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ cho phép người dân đốt pháo hoa, nhưng chỉ cho phép tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Nghị định hoàn toàn cấm cá nhân sử dụng pháo nổ, nếu người dân cố tình sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành, không tham gia, không tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật về pháo. Khi hiểu biết pháp luật, ý thức trách nhiệm người dân được nâng cao sẽ là điều kiện quan trọng để hạn chế, đẩy lùi các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ.
Theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
|
Ý kiến ()