Đảm bảo an sinh xã hội từ BHXH
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách an sinh xã hội rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo mọi công dân có quyền được hưởng an sinh xã hội khi về già. Theo quy định của Luật BHXH, người lao động khi làm việc được người sử dụng lao động cùng đóng BHXH để hưởng đủ các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; người đủ 15 tuổi mà không thuộc trường hợp được người sử dụng đóng BHXH thì được tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất...
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là số người rút BHXH một lần đang có chiều hướng gia tăng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đảm bảo an sinh xã hội sau này của những người rút BHXH một lần.
Ước tính, mỗi năm cả nước có hơn 700.000 người rút BHXH một lần. Bình quân cứ hơn 1 người tham gia BHXH có 1 người rút. Nhóm lao động dưới 40 tuổi, làm ở khu vực doanh nghiệp đang rút BHXH một lần nhiều nhất.
Trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH 1 lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%/năm. Trong đó, nữ giới tham gia rút BHXH một lần nhiều hơn nam giới, chiếm 55% và 80% người rút BHXH một lần có độ tuổi từ 20-40 tuổi. Tính riêng năm 2022, số trường hợp được giải quyết chế độ hưởng BHXH một lần gần 1 triệu người, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân của tình trạng rút BHXH một lần được cho là đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn. Tỷ lệ lao động trẻ rút bảo hiểm ngày càng nhiều bởi có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động. Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm dẫn đến gia tăng số người rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn về đời sống, sinh hoạt ngay trước mắt.
Để hạn chế, giảm thiếu số người lao động rút BHXH một lần, nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất bổ sung các chính sách hỗ trợ mới nhằm khuyến khích lao động không rút BHXH một lần. Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng thêm 5 quyền lợi.
Cụ thể, chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng hưu; Hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; Hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động; trong thời gian nghỉ việc mà chưa có việc làm thì người lao động còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Điểm đáng chú ý trong 5 quyền lợi này là lao động có thể hưởng bảo hiểm y tế miễn phí nếu không rút một lần.
Với Quảng Ninh, nhằm phát triển, khuyến khích người dân, người lao động tích cực tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện góp phần đảm bảo an sinh - xã hội về lâu dài, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ một phần chi phí đóng BHXH cho người dân. Cụ thể, người dân Quảng Ninh tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ thêm 20% mức đóng; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo lên tới 30% mức đóng. Nhờ chính sách nhân văn này, tính đến tháng 7/2023, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh là 24.074 người. Số phát triển mới là trên 4.200 người. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, BHXH tỉnh và các địa phương sẽ phấn đấu phát triển mới thêm 5.926 người được tham gia mạng lưới BHXH.
Ngành BHXH tỉnh cũng đẩy mạnh việc thông tin về những chính sách hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh, cũng như tuyên truyền để người dân, người lao động không rút BHXH một lần để được hưởng các chính sách liên quan khác như bảo hiểm y tế, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất...
BHXH tự nguyện là chính sách có ý nghĩa hết sức nhân văn, đồng thời là giải pháp quan trọng đảm bảo an sinh - xã hội. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần tăng cường nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia BHXH nói riêng.
Ý kiến ()