
"Cứu" dong riềng
Có lẽ câu chuyện về “giải cứu” nông sản như: Dưa hấu, vải thiều, lợn thịt, khoai tây… xảy ra trong những năm gần đây hẳn mọi người chưa thể quên. Ấy vậy mà hầu như năm nào chuyện buồn này cũng xảy ra. Ở Quảng Ninh, dịp gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi này, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tiên Yên, Bình Liêu đang “khóc dở, mếu dở” vì hàng trăm tấn dong riềng còn tồn đọng do chưa tìm được đầu ra.
Như đối với huyện Tiên Yên, năm 2018, diện tích trồng dong riềng của địa phương này lên tới 170,5ha, gấp 2 lần so với năm 2017. Năng suất bình quân đạt 53,3 tấn/ha, với tổng sản lượng gần 8.800 tấn. Thế nhưng, đến thời điểm này, người nông dân Tiên Yên vẫn chưa tìm được nơi tiêu thụ cho sản phẩm, trong khi Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã cận kề, với rất nhiều khoản phải chi tiêu.
Mặc dù Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu - đơn vị sản xuất miến dong lớn trên địa bàn Bình Liêu đã cam kết với Tiên Yên về tiêu thụ củ dong riềng trên diện tích 100ha, tương đương 3.500 tấn, thế nhưng dù rất muốn “giải cứu” cho Tiên Yên, nhưng vào thời điểm hiện tại, Công ty này “buộc phải” từ chối thu mua với lý do: Cũng đang tồn đọng hơn 100 tấn bột, 70 tấn miến dong chưa bán được.
Đó là chưa kể trên địa bàn Bình Liêu, năm 2018, diện tích trồng dong riềng của huyện là 345,1ha, sản lượng củ đạt khoảng 15.500 tấn, tương đương trên 1.100 tấn miến. Hiện tại, khâu tiêu thụ củ dong vẫn là bài toán khó.
Nhìn vào thực tế của hai địa phương trên cho thấy mặc dù đã có cam kết tiêu thụ với cơ sở sản xuất, tuy nhiên việc mở rộng diện tích trồng dong riềng vẫn còn mang tính tự phát. Như ở Tiên Yên, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu cam kết tiêu thụ trên diện tích 100ha, thế nhưng người dân địa phương này lại trồng lên tới 170,5ha. Hay như Bình Liêu, năm 2017 diện tích dong riềng là 257,9ha thì năm 2018 mở rộng lên 345,1ha.
Một thực tế là mặc dù sản phẩm làm ra khá nhiều, thế nhưng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại của các cơ sở sản xuất, địa phương có miến dong còn rất hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư nhiều. Chính vì vậy, thông tin, chất lượng, mẫu mã... sản phẩm miến dong vẫn chưa đến với người tiêu dùng. Bởi một sản phẩm muốn tiêu thụ tốt thì không chỉ là sản xuất, đặt nó lên kệ, mà công tác quảng bá, quảng cáo, xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng.
Sao năm nào cũng phải “giải cứu” nông sản? Câu trả lời đó có lẽ dành cho ngành Nông nghiệp nói chung, lãnh đạo các địa phương nói riêng. Nhiều người cho rằng, để giải quyết vấn đề này thì chúng ta phải “giải cứu” tầm nhìn. Nông sản không thể trông đợi vào lòng thương của người tiêu dùng. Để xảy ra việc hằng năm phải “giải cứu” nông sản thì trách nhiệm lớn do các cơ quan quản lý, địa phương chưa có quy hoạch, cảnh báo về quy mô sản xuất, nhu cầu và sự biến động thị trường...
Một trong những vấn đề hết sức quan trọng đó là sự liên kết trong sản xuất, người nông dân phải được tham gia vào chuỗi giá trị từ sản xuất - bao tiêu sản phẩm - tiêu thụ, từ đó chủ động quy mô sản xuất thì hầu như “mắt xích” này còn bị bỏ ngỏ, dẫn đến việc người nông dân vẫn còn phải tự “bơi”. Để nông sản của người dân không còn phải “giải cứu” thì rất cần sự vào cuộc định hướng, quy hoạch của cơ quan quản lý, địa phương ngay từ khâu đầu tiên.
Thái Bình - Chu Giang
Ý kiến ()