
Cuộc đấu tranh không tiếng súng
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Theo nội dung Hiệp định, đại bộ phận đặc khu Hòn Gai, Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên cùng Hải Phòng nằm trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp. Trong những ngày này, tại vùng tập kết, quân Pháp ra sức cưỡng ép di cư, di chuyển máy móc trái phép… Tuy nhiên, nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng và tinh thần đấu tranh của nhân dân, công nhân mỏ, các hệ thống máy móc và thiết bị quan trọng trong khai thác than đã được bảo vệ, người dân ở lại gắn bó với quê hương. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cho việc khôi phục và phát triển ngành sản xuất than sau này của Khu mỏ Quảng Ninh.
Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc chuyển quân và rút quân, tỉnh Hải Ninh là một trong những nơi địch rút sớm nhất miền Bắc, ngày 8/8/1954, quân Pháp rút khỏi Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh sạch bóng quân xâm lược. Phần lớn địa bàn tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai nằm trong khu vực tập kết 300 ngày. Trong khi các lực lượng của ta nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định, thì quân Pháp ra sức càn quét cướp phá tài sản, bắt thanh niên đi lính và cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; tháo dỡ máy móc; khuyến khích các đảng phái phản động nổi lên chống phá cách mạng; tăng cường cài cắm gián điệp vào các nhà máy, xí nghiệp, các địa phương với âm mưu chống phá ta về lâu dài.

Đối với mỗi địa bàn, chúng tập trung cưỡng ép di cư vào một đối tượng nhất định. Ở Hải Ninh, do chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã còn yếu, thậm chí nhiều xã chưa thành lập được chính quyền cách mạng, hoạt động cưỡng ép đồng bào di cư của địch diễn ra một cách trắng trợn và điên cuồng. Quân Pháp đã tập trung vào việc ép buộc đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Hoa, di cư vào Nam. Tương tự, ở khu mỏ, chúng đã tập trung vào việc ép buộc công nhân có trình độ kỹ thuật cao và tầng lớp cai ký, giám thị di cư vào Nam. Ở Quảng Yên, chúng đã tập trung vào việc ép buộc đồng bào Thiên Chúa giáo và những người trước đây là ngụy quân, ngụy quyền di cư vào Nam.
Trong khi đó, ở đặc khu Hòn Gai, quân Pháp đã dựng lên "Tổng ủy di cư" và lập ra các "Ban di cư xã hội", cùng các tổ chức phản động với sự hỗ trợ của hàng nghìn lính Âu Phi và bảo an. Tình hình trở nên phức tạp hơn khi quân Pháp ngang nhiên đóng quân ở Bang, hỗ trợ, xúi giục các tên phỉ như Bàn Đức Thắng, Lục Văn Thông tổ chức cướp phá, chống đối chính quyền ở Hoành Bồ, Ba Chẽ. Hành động này đã gây ra sự sợ hãi và bất an cho người dân.
Quán triệt sâu sắc chủ trương tranh thủ hoà bình, đánh bại âm mưu khiêu khích của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp của Trung ương Đảng, trong tháng 8 và tháng 9/1954, các Đảng bộ tỉnh Quảng Yên, Đặc khu Hòn Gai, tỉnh Hải Ninh tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân về Hiệp định Giơ-ne-vơ; tình hình và nhiệm vụ mới của Đảng ta; các chính sách của Đảng đối với vùng giải phóng, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đối với ngụy quân, ngụy quyền và chính sách tự do tín ngưỡng. Cuộc đấu tranh chống địch cưỡng ép đồng bào di cư vào miền Nam đã diễn ra liên tục từ cuối năm 1954 cho đến ngày ta tiếp quản Vùng mỏ.
Ở Hải Ninh, ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với mạnh tay trấn áp bọn phản động đầu sỏ ngoan cố; thành lập 3 đoàn cán bộ tổ chức cứu đói ở các huyện Ba Chẽ, Đình Lập, Bình Liêu.
Ở Đặc khu Hòn Gai, nơi đọ sức gay gắt giữa ta và địch trong vấn đề di cư, ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch rõ âm mưu thủ đoạn của địch, mở cuộc phát động chống Mỹ, làm cho nhân dân nhận rõ đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm và đang mưu mô xâm lược nước ta. Các cơ sở Đảng trong Đặc khu đã “Lấy việc chống âm mưu dụ dỗ ép dân di cư làm nội dung đấu tranh chính của cuộc phát động chống Mỹ”. Các thị xã và huyện đã tổ chức Đại hội chống Mỹ, ngày 22/12/1954, thị xã Hòn Gai, huyện Hoành Bồ đã tổ chức Đại hội chống Mỹ ở Hoành Bồ.
Nổi bật nhất, ngày 9/1/1954, thị xã Cẩm Phả, huyện Cẩm Phả lại tiếp tục tổ chức Đại hội chống Mỹ ở Cái Rồng. Hơn 5.000 cán bộ, đảng viên và nhân dân trong vùng Pháp tạm đóng quân đã dự Đại hội. Trong đại hội các đại biểu đã tố cáo âm mưu của đế quốc Mỹ gây ra việc cưỡng ép nhân dân di cư và biểu thị tinh thần kiên quyết đấu tranh đập tan âm mưu thâm độc đó.
Ở Yên Trì (Quảng Yên), trước khi ta thực hiện công tác chống cưỡng ép di cư, có 64 gia đình định ra đi, sau khi được cán bộ giải thích, đã có 46 gia đình ở lại.

Ở Lán Đạo (thị xã Hòn Gai), nơi tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa, trong số 47 gia đình định di cư đã có 35 gia đình tự nguyện ở lại, 137 gia đình đã làm đơn gửi Chính phủ và Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam phản đối thủ đoạn lừa bịp cưỡng ép giáo dân di cư của bọn phản động. Đặc biệt, khi được cán bộ ta đến giải thích và vận động, nhiều gia đình ở Hà Gián (huyện Cẩm Phả) đang tập trung ở thị xã Cẩm Phả để di cư vào Nam đã tỉnh ngộ và trở về quê quán. Đến tháng 3/1955, toàn Đặc khu Hòn Gai chỉ có 216 gia đình với 2.145 người di cư trong tổng số hơn 70.000 dân của Đặc khu. Âm mưu cưỡng ép di cư của đế quốc Mỹ và tay sai về cơ bản bị thất bại.
Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Hồng, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), người cả đời gắn bó với Đặc khu Hòn Gai vẫn còn nhớ như in không khí sục sôi trong nhân dân và thợ mỏ những ngày đấu tranh chống di dân và di chuyển máy móc tại các mỏ than. Hồi ấy dù vẫn bị quân Pháp thiết quân luật và ra sức tuyên truyền phản động về Việt Minh, nhưng lòng dân Vùng mỏ vẫn âm ỉ, náo nức mong chờ ngày giải phóng…

Song song với chính sách lừa bịp cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam, thực dân Pháp ráo riết thực hiện mọi thủ đoạn nhằm vơ vét thật nhanh, thật nhiều sức người, sức của ở Khu mỏ trong thời gian chúng tạm chiếm đóng 300 ngày. Bọn chủ mỏ Pháp đặt ra kế hoạch khai thác than một cách ồ ạt. Từ tháng 11/1954 đến tháng 4/1955, chúng dự tính sẽ tìm mọi cách để bóc được gần 80 vạn tấn than - bằng mức khai thác của cả năm 1954. Chúng nâng mức khoán lên 50%, nâng ngày làm việc lên 12 giờ. Nhằm lấy được nhiều than với giá thành rẻ, bọn chủ mỏ đã tổ chức khai thác một cách bừa bãi, bỏ qua mọi quy trình kỹ thuật về tầng lò, kết hợp với việc phá hoại để gây khó khăn cho ta sau này.
Nhà sàng Cửa Ông là một trong những nơi được chúng chọn làm thí điểm kế hoạch đó. Tại đây, bọn chủ tăng mức khoán lên 1,5 đến 2 lần, kéo dài ngày làm việc tới 12 tiếng và tăng cường cúp phạt lương công nhân. Để bảo vệ lợi ích của công nhân mỏ, phá tan âm mưu thực hiện kế hoạch “tăng năng suất” của địch, cơ sở Đảng ở thị xã Cẩm Phả, Cửa Ông quyết định vận động công nhân nhà máy sàng đấu tranh. Trước tinh thần đấu tranh kiên quyết của nữ công nhân nhà sàng và sự ủng hộ mạnh mẽ của công nhân các mỏ, các xí nghiệp khác trong vùng Cẩm Phả, bọn chủ mỏ buộc phải thoả mãn phần lớn yêu sách do công nhân đề ra. Như vậy là dưới sự chỉ đạo sát sao của Đặc khu ủy, bằng những biện pháp đấu tranh khéo léo, kiên quyết, công nhân mỏ đã làm thất bại kế hoạch khai thác 80 vạn tấn than trong thời gian 300 ngày của bọn chủ mỏ Pháp.
Cũng trong thời kỳ này, bọn chủ mỏ Pháp tìm mọi thủ đoạn để di chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi Khu mỏ. Trước tình hình đó, ngày 20/7/1954, sau khi nhận được chỉ thị của Trung ương, Đặc khu ủy Hòn Gai đã chỉ thị cho các cơ sở của ta trong Khu mỏ bí mật thành lập các tổ chức tự vệ công nhân ở các công trường, xí nghiệp để bảo vệ máy móc thiết bị và các cơ sở công nghiệp. Ngày 18/12/1954, công nhân Cẩm Phả đã ngăn chặn được bọn chủ mỏ định chuyển 12 hòm máy và 1 cần cẩu Xôngđơ (Sondeur) ra cảng Cửa Ông chuyển xuống tàu về nước, đó là những thiết bị theo Hiệp định chủ mỏ không được phép mang đi.
Bên cạnh việc chống cưỡng ép và dụ dỗ di cư, ta còn thu được kết quả tốt trong công tác ngụy vận ở khu mỏ, đã vận động được 645 lính ngụy về hàng và 100 lính bỏ ngũ về nhà làm ăn.
Ở Quảng Yên, phong trào đấu tranh cũng diễn ra sôi nổi. Công nhân Nhà máy kẽm Quảng Yên cùng công nhân mỏ đá Tràng Kênh, nhân dân vùng Minh Tân (Hải Phòng) và các vùng lân cận đã đấu tranh bền bỉ trong suốt tháng 2/1955 để ngăn địch chuyền máy đi miền Nam. Trước khí thế đấu tranh sôi nổi, đối phương đã phải nhượng bộ. Phong trào đấu tranh càng phát triển thêm trong khu mỏ.
Trong tháng 11/1954 và tháng 1/1955, đã nổ ra hai cuộc đấu tranh chống đàn áp, khủng bố. Công đoàn Nhà máy điện Cột 5 đã cùng khu phố vận động công nhân và nhân dân làm đơn kiện có hàng trăm chữ ký, buộc các cấp ngụy quyền từ bang phố đến đại lý hành chính Hồng Gai, tỉnh trưởng Quảng Yên phải chuyển lên thủ hiến Bắc Việt để phản đối quân Pháp đã vô cớ bắn chết một công nhân nhà máy. Ngụy quyền Quảng Yên đã phải bồi thường cho gia đình người bị nạn.
Chiều 9/3/1955, chủ mỏ dùng lính và bọn cai xếp người Pháp định chuyển 8 động cơ của Nhà máy điện cột 5 (Hòn Gai) xuống Cẩm Phả để chuyển vào Nam. Công nhân đã vây quanh nhà tên chủ, buộc chúng phải ngừng chuyển máy.
Ngày 24/4/1955, công nhân Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả đã kiểm soát các hòm máy chủ định chuyển vào Nam, buộc chúng phải để lại ba máy.
Nguyên là cán bộ của lực lượng quân báo, dù năm nay đã 92 tuổi, song cụ Lê Ngọc Lâm, khu 4, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) vẫn luôn ghi nhớ về những ngày tháng hào hùng khi xưa. 70 năm trước, cụ Lâm chính là người tham gia tiếp quản Vùng mỏ khi là chiến sĩ của Trung đoàn 244, được giao nhiệm vụ đặc biệt, vào trước các vị trí Pháp đóng quân ở Vùng mỏ để bảo vệ nhân dân, chống địch phá hoại. Cụ Lâm chia sẻ: Ngày đó quân và dân ta rất đoàn kết, có thông tin gì đều trao đổi ngay với lực lượng quân báo. Hồi ấy cả khu mỏ chỉ có duy nhất Nhà máy điện Cột 5, thực dân Pháp lúc này đang nuôi ý định phá nhà máy để cắt nguồn điện sản xuất than. Tuy nhiên, với sự đấu tranh mạnh mẽ của quân và dân nên đã bảo vệ nhà máy được an toàn để ổn định sản xuất


Những cuộc đấu tranh như vậy của công nhân mỏ đã mang lại những thắng lợi vẻ vang, ta đã giữ lại được hầu hết lực lượng công nhân mỏ, đặc biệt là số công nhân cơ khí, công nhân vận hành thiết bị kỹ thuật cao mà địch tập trung sức cưỡng ép di cư; bảo toàn được thiết bị để tiếp tục duy trì sản xuất ngay sau ngày tiếp quản.
Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương, căn cứ vào các đặc điểm địa lý kinh tế, hành chính, dân cư, truyền thống lịch sử, ngày 22/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 221/SL thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai (các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách và Sơn Động sáp nhập trở lại tỉnh Hải Dương và Bắc Giang). Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Khu mỏ, Khu ủy Hồng Quảng quyết định thành lập 2 Đảng ủy ở 2 thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, các Ban Cán sự ở Quảng Yên, Cửa Ông, Cát Bà. Khu cũng thành lập một đoàn cán bộ tiếp quản vào tiếp thu cơ sở sản xuất Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (SFCT).
Ngày 11/4/1955, các hiệp định về việc chuyển giao khu chu vi Hải Phòng được ký kết giữa ta và Pháp.
Ngày 18/4/1955, đội tiếp quản hành chính của ta tiến vào Cửa Ông, Cẩm Phả nhận bàn giao của Pháp.
Ngày 22/4/1955, một lực lượng chính trị quân sự của ta chính thức tiếp quản Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Yên.
Ngày 24/4/1955, lực lượng quân sự của ta tập kết bên Bãi Cháy, chuẩn bị tiếp quản Hòn Gai.
12 giờ trưa ngày 24/4/1955, tên lính Pháp cuối cùng rời Khu mỏ. 13 giờ cùng ngày, lực lượng quân sự và chính trị của ta vào tiếp quản Hòn Gai trong không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày vui giải phóng.
Như vậy có thể khẳng định rằng, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của việc tiếp quản đó là tinh thần đoàn kết, một lòng hướng về Đảng, hướng về Cách mạng của nhân dân khu Mỏ đã làm thất bại các hoạt động phá dỡ máy móc, cưỡng ép đồng bào di cư vào miền Nam của địch. Qua đó, giúp nhân dân vùng mỏ nhanh chóng khôi phục kinh tế sau tiếp quản, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, thống nhất đất nước.
70 năm đã qua đi, lịch sử Quảng Ninh đã sang nhiều trang mới. Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm của tiếp quản vùng mỏ như sự đoàn kết, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang, vị thế, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt.
Ý kiến ()