
"Công dân ưu tú", "Công dân danh dự"
UBND thành phố Uông Bí vừa có quyết định ban hành Quy chế xét tặng các danh hiệu "Công dân ưu tú", "Công dân danh dự" của thành phố. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh có chủ trương xét tặng các danh hiệu này.
Việc xét tặng các danh hiệu nói trên nhằm cổ vũ, động viên, ghi nhận các cá nhân trong và ngoài thành phố có đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố Uông Bí. Đây cũng là hình thức biểu dương, khen thưởng cao nhất của thành phố dành tặng cho các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, dẫn đầu trong từng lĩnh vực của đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; nêu tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.
Trong đó, người được xét tặng danh hiệu "Công dân ưu tú" phải có hộ khẩu thường trú tại TP Uông Bí, hoặc đang sinh sống, lao động, học tập, công tác ở TP Uông Bí. Người được xét tặng danh hiệu "Công dân danh dự" là người Việt Nam, người nước ngoài không có hộ khẩu thường trú tại TP Uông Bí, hoặc không sinh sống, lao động, học tập, công tác ở TP Uông Bí. Hồ sơ của người được xét tặng sẽ được thẩm định, xét chọn qua 2 vòng: Hội đồng cấp cơ sở và hội đồng cấp thành phố.
Cá nhân đạt các danh hiệu "Công dân ưu tú", "Công dân danh dự" thành phố Uông Bí được tặng giấy chứng nhận, huy hiệu và tiền thưởng; được ghi tên vào Sổ vàng truyền thống của thành phố, được miễn phí cáp treo tham quan Khu di tích - danh thắng Yên Tử (kèm theo 3 người), có giá trị trong thời gian 2 năm. Các danh hiệu này được xét tặng hằng năm và không quá 5 cá nhân...
Việc xét tặng, vinh danh các danh hiệu "Công dân ưu tú", "Công dân danh dự" là việc làm hết sức cần thiết, không chỉ để ghi nhận, biểu dương những việc làm, hành động tốt, có ích cho xã hội, người dân của những cá nhân tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực, công việc, mà còn góp phần nhân rộng, lan tỏa những hành động đẹp, gương người tốt, việc tốt trong xã hội...
Một số địa phương, trong đó có TP Hà Nội, những năm gần đây cũng đã xét tặng và vinh danh danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu hằng năm. Trong đó, nhiều tấm gương cá nhân với những câu chuyện về động lực vươn lên, làm giàu từ cái tâm trong sáng, về sự vượt khó đạt thành tích cao trong thi đấu thể thao, về sự tận tâm, hết lòng vì công việc của người thầy thuốc nhân dân, của người tổ trưởng sản xuất, của người đội trưởng cảnh sát giao thông, của nghệ nhân ưu tú ẩm thực v.v..
Để các cá nhân được công nhận, vinh danh các danh hiệu vinh dự này có sức thuyết phục, thực sự xứng đáng đòi hỏi địa phương thực hiện bên cạnh việc xây dựng quy chế đảm bảo khoa học, chặt chẽ, thì trong quá trình xét tặng cũng cần đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác, mọi người đều tâm phục, khẩu phục. Có như vậy mới có giá trị, tác dụng nhân rộng, lan tỏa, noi theo, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đóng góp đặc biệt cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương...
Thanh Tùng
Ý kiến ()