Cô Tô xanh
Quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” bền vững, những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững tăng trưởng trên 2 con số, Quảng Ninh đặc biệt coi trọng đến công tác bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững. Hưởng ứng chủ trương của Quảng Ninh, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Cô Tô thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm rác thải nhựa, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống đánh bắt tận diệt, gìn giữ màu xanh của biển. Từ môi trường xanh, sạch, nhiều loại thuỷ hải sản được phục hồi, minh chứng rõ nét nhất là từng đàn cá voi, cá heo, rùa biển đã trở lại với đảo tiền tiêu Cô Tô.
Mới đây, người dân và cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Cô Tô vừa bắt gặp đàn cá voi 3 con xuất hiện trên vùng biển. Theo clip dài 35 giây được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Tô ghi lại trên đường tuần tra, đàn cá voi xuất hiện ở phía Đông Nam đảo Cô Tô, cách bờ khoảng 6 hải lý. Trước đó, đàn cá đã xuất hiện tại khu vực hòn Đuôi Chuột, gần Cô Tô con và trên đường đến đảo Trần.
Vào tháng 9/2023, một ngư dân Cô Tô cũng đã ghi lại clip dài 40 giây một đàn cá voi bất ngờ trồi lên khỏi mặt nước rồi nô đùa và kiếm mồi ăn xuôi theo dòng nước trên vùng biển Cô Tô. Đàn cá voi xuất hiện trong 1 giờ đồng hồ trước khi rời khỏi khu vực biển Cô Tô.
Trước đó, vào tháng 7/2023, một đàn cá voi từ 4-5 con cũng thường xuyên xuất hiện tại khu vực Hạ Mai đến Đầu Trâu của huyện đảo Cô Tô. Đáng chú ý, cá bơi rất gần bờ để kiếm mồi.
Thời gian qua, không chỉ cá voi xuất hiện nhiều trên vùng biển Cô Tô, Vân Đồn mà rùa, cá heo cũng thường xuyên xuất hiện. Đơn cử như vào tháng 8/2023, tại bãi biển Đông thuộc đảo Cô Tô con xuất hiện một cá thể rùa biển quý nặng khoảng 20kg. Vào tháng 11/2022, tại khu vực gần cầu Cảng (bãi biển Nam Hải, khu 4, thị trấn Cô Tô) ngư dân đã phát hiện đàn cá heo bơi trong nhiều giờ.
Theo các nhà khoa học, chuyên gia môi trường biển, việc cá voi, cá heo, rùa biển… xuất hiện thường xuyên là minh chứng cho thấy môi trường biển ở Cô Tô ngày càng tốt lên, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống đánh bắt tận diệt được thực hiện tốt, nhiều loài thuỷ hải sản phục hồi. Chính vì vậy với môi trường trong sạch, nguồn thức ăn dồi dào, nên cá voi, cá heo, rùa biển… xuất hiện nhiều để kiếm ăn, thậm chí sinh sản.
Để có được môi trường trên đảo Cô Tô nói chung, môi trường biển trong sạch, không ô nhiễm, thời gian qua, huyện đảo đã triển khai quyết liệt công tác bảo vệ môi trường, trong đó Cô Tô đặc biệt đẩy mạnh việc làm sạch môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa.
Trước đó, từ ngày 1/9/2022, huyện Cô Tô đã thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi ra đảo du lịch. Huyện tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh, tiểu thương về việc không sử dụng túi nilon; không xả rác xuống biển; rà soát, vận động các hộ kinh doanh, siêu thị thành lập đại lý cung cấp, bán những sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nilon truyền thống và đồ nhựa dùng một lần để người dân sử dụng.
Từ hiệu quả của việc thí điểm chống rác thải nhựa, Cô Tô đã nhân rộng và thực hiện giai đoạn 2 của đề án. Theo đó, từ ngày 15/9/2023, huyện Cô Tô đề nghị tất cả các du khách không được mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo. UBND huyện cũng yêu cầu 100% cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, phương tiện tàu vận chuyển khách, vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản... trên địa bàn huyện Cô Tô không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần (hộp nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần,...) và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển kể từ thời gian trên.
Có thể thấy, từ việc quyết liệt trong bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, quyết tâm xây dựng đảo Cô Tô xanh, sạch, đẹp, đã đem đến thành quả tích cực ban đầu là những đàn cá voi, cá heo, rùa biển… xuất hiện ngày càng nhiều trên vùng biển của đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Ý kiến ()