Chuyện từ suối Sẹc Lồ
Theo xác minh của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chính gây ra ngập lụt là do các hộ dân vứt rác và chất thải xuống suối Sẹc Lồ làm cho lòng suối vốn đã hẹp lại càng hẹp thêm. Khi nước từ các nơi đổ xuống, suối đã bị tắc gây ra hậu quả trên. Ngay sau sự việc trên, đồng chí Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh uỷ đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo TP Hạ Long và phường Hà Tu có giải pháp khắc phục.
Điều đáng bàn qua vụ việc ngập lụt ở suối Sẹc Lồ là để có giải pháp chống ngập lụt bền vững lâu dài, vừa qua, Uỷ ban MTTQ phường Hà Tu đã chủ trì tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường suối Sẹc Lồ. Buổi lễ có sự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo Thành uỷ, lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, Uỷ ban MTTQ, các ban ngành, đoàn thể của phường và đại diện các tổ dân, khu phố sinh sống hai bên bờ suối Sẹc Lồ. Tại đây, đại diện các tổ dân, khu phố hai bên bờ suối đã ký cam kết “3 không”: Không lấn chiếm hành lang 3m hai bên bờ suối; không vứt rác, các chất thải, xác súc vật xuống suối; không sàng hút than và san gạt đất đá xuống suối. Về phía Công ty CP Than Núi Béo cũng đã hỗ trợ kinh phí nạo vét và cam kết sẽ cải tạo hố lắng để khắc phục tình trạng trên...
Hiện nay, không chỉ các khu đô thị mà ngay cả các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ “thói quen” vứt rác thải, xả nước thải bừa bãi của không ít gia đình xuống suối, kênh mương đang diễn ra phổ biến. Có những nơi như vùng Hà Nam (Yên Hưng), một số phường của TP Hạ Long… mức độ ô nhiễm tại một số kênh thoát nước là khá nặng. Nguy hại hơn khi nước từ những kênh này chảy ra Vịnh Hạ Long.
Được biết, hầu như trong quy ước xây dựng làng, khu phố văn hoá những năm qua của địa phương nào cũng có phần cam kết về bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, từ cam kết đến thực hiện lại là một chuyện khác mà không phải phường, xã, khu dân cư nào cũng làm được. Câu chuyện về suối Sẹc Lồ trên có thể coi là bài học kinh nghiệm quý về môi trường đối với các khu dân cư.
Thiết nghĩ, cách làm của MTTQ phường Hà Tu cần được xem là điển hình để nhân rộng trong các địa phương trong tỉnh, nhất là những nơi đang “nóng” về ô nhiễm môi trường. Nên chăng, cùng với quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc xử lý nước thải, rác thải, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể của các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn chấp hành giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, vì lợi ích chính mình và cộng đồng.
Ý kiến ()