Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện các chương trình, mô hình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích (TNTT), lao động trẻ em; duy trì các mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em và thí điểm các mô hình mới; phát triển, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp trẻ em.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát, khảo sát cho thấy, một số địa phương còn xảy ra các vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng, thương tâm đối với học sinh, trẻ em, đồng thời còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ học sinh, trẻ em bị tai nạn thương tích tại gia đình, cộng đồng, trường học, nhất là bị bạo lực, cháy, bỏng, tai nạn giao thông, rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng. Việc quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè hiệu quả chưa cao, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh niên, thiếu niên cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
Tính đến ngày 20/5/2023, toàn tỉnh có 359.546 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 144.887 trẻ em dưới 6 tuổi; 3.581 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 3.871 trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 (từ 01/01/2023 đến ngày 20/5/2023), toàn tỉnh có 17 trẻ em bị tử vong do TNTT (tăng 3 trẻ với cùng kỳ năm 2022), trong đó: đuối nước: 10 trẻ (bằng so với cùng kỳ năm 2022); TNGT: 3 trẻ (tăng 2 trẻ so với cùng kỳ năm 2022); TNTT khác: 4 trẻ (tăng 3 trẻ so với cùng kỳ năm 2022); Các địa phương xảy ra nhiều ca tử vong do TNTT trẻ em gồm: thành phố Hạ Long 6 trẻ em, thị xã Quảng Yên 4 trẻ em, Ba Chẽ 2 trẻ em.
Theo báo cáo của Công an tỉnh: Từ ngày 15/11/2022 đến ngày 14/5/2023, toàn tỉnh phát hiện 20 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi với 30 đối tượng (29 nam, 01 nữ), xâm hại 23 trẻ em (19 nữ, 4 nam). Tăng 4 vụ (20/16 vụ), giảm 1 đối tượng (30/31 đối tượng) và tăng 6 trẻ em (23/17 trẻ em) so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng xảy ra 14 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 17 đối tượng, xâm hại 16 trẻ em, tăng 7 vụ (14/7 vụ), 10 đối tượng (17/7 đối tượng) và tăng 8 trẻ em bị xâm hại (16/8 trẻ) so với cùng kỳ năm 2022. Trẻ em vi phạm pháp luật có 5 vụ, 15 đối tượng (15 nam) giảm 14 vụ (5/19 vụ) và giảm 23 đối tượng (15/38 đối tượng) so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi triển khai thực hiện chưa quyết liệt, kịp thời, đầy đủ và nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền sâu rộng và cảnh báo nguy cơ cho các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa tiến hành thường xuyên; công tác phối hợp giữa các ngành, các cơ quan, tổ chức, giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương có việc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người dân tham gia giao thông chưa tốt; nhận thức, kiến thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về phòng, chống tai nạn thương tích trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích còn hạn chế…
Để tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 33 - CT/TU của về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Chỉ thị nhấn mạnh, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tăng cường, sâu sát hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác này.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là thực hiện các quy định về an toàn, phòng, phòng chống đuối nước trẻ em trên các phương tiện vận chuyển khách, bến bãi, an toàn giao thông đường thủy, bể bơi, hồ bơi, bãi tắm, các dịch vụ vui chơi dưới nước cho trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các vi phạm. Thường xuyên rà soát, cảnh báo kịp thời và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn tại các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích đối với trẻ em, học sinh, đồng thời có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn, bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh từ xa, từ sớm, nhất là tại gia đình, cộng đồng, trường học, các bãi tắm, bể bơi, sông, hồ, các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ và các địa điểm, công trình công cộng có trẻ em, học sinh tham gia hoạt động (làm rào chắn, biển cảnh báo…). Kiên quyết không để tồn tại các bãi tắm tự phát tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đối với nhân dân và du khách, nhất là trẻ em.
Đây chính là những giải pháp quan trọng, lâu dài nhằm mục đích hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích cho trẻ.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt những giải pháp này cũng chính là đảm bảo cho sự thành công của Tháng hành động vì trẻ năm 2023 (từ ngày 1 - 30/6) với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.
Ý kiến ()