Quảng Ninh chuẩn bị tốt các điều kiện để trồng rừng vụ Xuân
Năm 2025, Quảng Ninh sẽ trồng lại 77.000ha rừng trồng đã bị bão số 3 gây thiệt hại từ 50-100% diện tích, tăng gấp 6 lần so với những năm trước. Để đảm bảo mục tiêu đề ra, ngành lâm nghiệp đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ trồng rừng sắp tới.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, bão số 3 đã gây thiệt hại cho 128.873ha rừng toàn tỉnh (gồm 112.816ha rừng trồng và 16.057ha rừng tự nhiên). Trong đó, diện tích rừng trồng bị thiệt hại hoàn toàn và rất nặng là 77.000ha, chiếm 60% trong tổng diện tích rừng bị thiệt hại. Điều này đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác trồng rừng năm 2025, nhất là về cây giống, vốn và nhân lực.
Để đảm bảo thời vụ trồng rừng, công tác chuẩn bị nguồn giống là rất cấp thiết, quan trọng. Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã đề nghị các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình đủ điều kiện cung cấp cây giống lâm nghiệp khắc phục, sửa chữa, tiêu độc khử trùng các vườn ươm để sớm ổn định sản xuất các loại cây giống theo hướng giảm bớt cây mọc nhanh (keo, bạch đàn), ưu tiên các loài cây gỗ lớn, cây bản địa phù hợp với chủ trương phát triển cây lâm nghiệp của tỉnh, có khả năng thích ứng với môi trường và các điều kiện lập địa khắc nghiệt. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động giữ liên hệ, hợp tác với các cơ sở sản xuất giống cây trên địa bàn tỉnh để đảm bảo số lượng, chất lượng cây giống cho trồng rừng vụ Xuân.
Để đảm bảo mục tiêu trồng rừng năm 2025, hiện nay, ngành lâm nghiệp đang tập trung kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng xử lý thực bì, chuẩn bị vật tư trồng rừng, áp dụng KH-KT vào làm đất, xác định mật độ trồng; tổ chức trồng rừng đảm bảo đúng thời vụ, cũng như cách bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao hiệu quả rừng trồng; đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng, số lượng cây trồng. Bên cạnh đó, người dân chủ động chọn mua giống cây tại những cơ sở uy tín. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng cho các chủ rừng bị thiệt hại được xử lý rủi do (cơ cấu lại thời gian trả nợ, khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ lãi); cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để tái đầu tư, khôi phục, sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết, về lâu dài, Chi cục Kiểm lâm sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT Quảng Ninh, phối hợp với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam tập trung xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết và phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh từ sau bão Yagi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào đề án tái thiết phục hồi kinh tế tỉnh Quảng Ninh. Trong đó có nội dung xây dựng phương án phục hồi, tái thiết diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất bị thiệt hại trên cơ sở các nhiệm vụ như: Thống kê diện tích rừng/đất rừng cần phục hồi, tái thiết cho từng địa phương; xác định loài cây ưu tiên trồng rừng cho từng khu vực bị thiệt hại và xây dựng kế hoạch phân bổ diện tích trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng cho từng năm trong giai đoạn 2025-2030; xác định quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng rừng cho từng loài cây dựa trên các hướng dẫn kỹ thuật hiện hành hoặc kết quả nghiên cứu khoa học đã được công bố; xác định đơn giá, nguồn lực đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng rừng cho 1ha đối với từng loại rừng, loài cây trồng từ đó xác định nhu cầu kinh phí cho từng năm kế hoạch và cho cả giai đoạn 2026-2030...
Ý kiến ()