Chủ động phòng, chống thiên tai
Theo các cơ quan chuyên môn của T.Ư, động đất và sóng thần đều là các nguy cơ có thể xảy ra đối với Việt Nam (thực tế đã xảy ra nhiều trận động đất). Hậu quả nó gây ra là rất lớn và trên phạm vi rộng. Các hiện tượng thiên tai này diễn biến bất ngờ và nhanh. Theo tính toán nếu sóng thần xảy ra ở vùng nguồn Máng biển Manila Bắc - nơi được coi là vùng nguồn sóng thần nguy hiểm nhất đối với bờ biển Việt Nam - thì chỉ sau khoảng 2 giờ là tràn vào đến bờ biển miền Trung của nước ta.
Theo các cơ quan chức năng, cách phòng chống hiệu quả nhất đối với động đất và sóng thần là phải làm thật tốt công tác dự báo, cảnh báo, thông tin để có các phương án đối phó kịp thời. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là ở các vùng có nguy cơ cao để luôn luôn thường trực ý thức phòng chống, sơ tán khi có tình huống xấu xảy ra...
Do tác động, ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình thiên tai trên thế giới và ở Việt Nam ngày càng phức tạp, trái quy luật. Những năm gần đây, từ 2005 đến 2009 và những tháng đầu năm 2010 đã cho chúng ta một minh chứng rõ nét về tình hình thời tiết, khí hậu bất thường này. Đó là hạn hán kéo dài trên diện rộng; rét đậm, rét hại thường xuyên xuất hiện; mưa lũ đặc biệt lớn trên diện rộng gây ngập úng nghiêm trọng ở nhiều địa phương; triều cường dâng cao ở một số khu vực; năm 2009 bên cạnh hàng chục trận dông lốc, mưa đá, lũ quét... đã có 10 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó có cơn bão số 9 - một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 40 năm qua - đã tàn phá các tỉnh miền Trung. Đặc biệt từ đầu năm đến nay chúng ta đã chịu một đợt hạn hán, thiếu nước sản xuất trên tất cả các triền sông, các hồ chứa bị cạn kiệt; liên tiếp nắng nóng kéo dài trên khắp cả nước, thời tiết oi bức, nhiệt độ lên tới 39-40OC, trong đó có đợt nắng nóng lịch sử...
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hiện trạng trên là những ảnh hưởng bắt nguồn từ biến đổi khí hậu toàn cầu, nó sẽ làm thiên tai trở nên tồi tệ hơn, nhất là đối với những quốc gia nhạy cảm trước thiên tai như Việt Nam.
Vì vậy để phòng, chống hiệu quả và giảm nhẹ tác hại của thiên tai, các cấp, các ngành cần nỗ lực, cố gắng chuẩn bị sẵn sàng các phương án để ứng phó với thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”. Mùa mưa bão đang đến, các ngành, địa phương phải chủ động, tích cực triển khai các giải pháp phòng chống bão lũ, thiên tai; nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này; tổ chức phối hợp tốt giữa các lực lượng để giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại khi có bão lũ, thiên tai xảy ra...
Ý kiến ()