Chủ động phòng, chống mưa bão, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, trưa ngày 16-7 cơn bão mang tên quốc tế Rammasun - bão số 2 đã đi vào biển Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16. Theo dự báo, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp. Theo hướng di chuyển của cơn bão, có nhiều khả năng nó sẽ ảnh hưởng đến nước ta, nhất là các tỉnh ven biển phía Bắc, trong đó có Quảng Ninh...
Mưa bão thường gây ra những hậu quả khôn lường, khó đoán định. Bởi vậy, các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng chức năng của tỉnh cần sớm xây dựng các phương án, giải pháp để phòng chống có hiệu quả đối với cơn bão Rammasun - cơn bão đầu tiên trong năm nay có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển phía Bắc…
Như chúng ta đã biết, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của các trận mưa lớn nên trên địa bàn TP Hạ Long đã xảy ra hiện tượng sạt lở, trôi bùn đất ở một số khu dân cư gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân. Điển hình là tình trạng sạt lở đất gây sập đổ bờ kè, tường rào của một số hộ dân ở khu 4, khu 5, phường Hà Tu. Hậu quả có người bị thương, một số nhà dân có nguy cơ sập đổ, mất lối đi, phải sơ tán đến nơi ở khác an toàn hơn.
Với đặc điểm là địa bàn có nhiều đồi núi, sông suối, nhiều khu dân cư ở trên các triền đồi nên một số địa phương trong tỉnh có nguy cơ cao bị sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét mỗi khi có mưa bão, nhất là mưa kéo dài trong nhiều ngày. Do vậy, việc chủ động phòng chống của các cơ quan chức năng, địa phương và nâng cao ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Điều này góp phần đáng kể vào việc ổn định, đảm bảo an toàn cho cuộc sống, tính mạng, tài sản của người dân; đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra.
Riêng để phòng chống cơn bão Rammasun có hiệu quả, ngay từ bây giờ các ngành chức năng cần khẩn trương thông báo, hướng dẫn kịp thời hướng di chuyển, phạm vi ảnh hưởng của cơn bão để các tàu thuyền đang hoạt động trên biển có biện pháp đối phó và di chuyển đến các khu vực tránh trú bão an toàn. Đồng thời với đó, các địa phương cần kiểm tra, rà soát cụ thể các khu vực dân cư có thể xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét, ngập úng để kịp thời có phương án di dời, đối phó trong trường hợp cần thiết, đảm bảo an toàn cho người dân…
Thanh Tùng
Ý kiến ()