Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại
Chỉ thị nêu rõ: Để thực hiện mục tiêu xây dựng văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH, hội nhập quốc tế, bảo vệ và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường xã hội lành mạnh, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tăng cường lãnh đạo, quản lý, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội.
Để thực hiện các mục tiêu trên, bản chỉ thị nêu rõ những nội dung cụ thể cần phải làm tốt đối với cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở các cấp. Cụ thể là quan tâm, có kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, nâng cao năng lực và trình độ nhận biết, đánh giá để bài trừ, tẩy chay các sản phẩm văn hoá độc hại. Vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành đầy đủ, nghiêm túc pháp luật, các quy định về bài trừ các sản phẩm văn hoá độc hại. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể đấu tranh chống sản phẩm văn hoá độc hại đồng bộ, toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm nhất là ở khu vực đô thị, cửa khẩu, vùng biên giới. Khẩn trương rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đồng thời xây dựng mới các chính sách, cơ chế, chế tài xử lý đáp ứng đòi hỏi của công tác quản lý xã hội, quản lý văn hoá trong tình hình mới nhằm ngăn chặn, bài trừ có hiệu quả sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại. Cần có các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại qua mạng Internet, các thiết bị kỹ thuật số, điện thoại di động...
Thời gian qua, do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự phát triển mạnh của mạng Internet và các trang Web cộng với công tác quản lý thiếu chặt chẽ, không theo kịp diễn biến của thực tế nên nhiều sản phẩm văn hoá độc hại đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường. Thực tế các sản phẩm độc hại này đã tác động, ảnh hưởng xấu đến một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên. Không ít người trong đó có cả cán bộ, đảng viên bị tha hoá, biến chất về phẩm chất, đạo đức, lối sống, sa vào các tệ nạn xã hội, tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng... Những biểu hiện này đã làm cho niềm tin của người dân bị giảm sút; tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc. Nguy hiểm hơn nó còn hình thành một lối sống thực dụng, ích kỷ, thích hưởng lạc, thiếu lý tưởng ở một bộ phận đối tượng trong xã hội...
Vì vậy, để ngăn chặn và đẩy lùi những tác động xấu của các sản phẩm văn hoá độc hại đến xã hội và người dân, chúng ta cần tích cực, đồng lòng, chung sức, có ý thức cao thực hiện thật tốt, hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về vấn đề này...
Ý kiến ()