Chống đầu cơ, tăng giá các mặt hàng thiết yếu
Đồng thời UBND các tỉnh, thành phố phải tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, trước mắt tập trung vào các mặt hàng xi măng, thép xây dựng và phân bón. Cùng với đó cần xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, kể cả việc truy tố theo pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tăng giá, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường như đã xảy ra đối với mặt hàng gạo...
Trên địa bàn Quảng Ninh, ngoài “cơn sốt” giá gạch xây dựng diễn ra trong những tháng đầu năm, thì hiện nay tuy không “sốt” nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu cũng đang đứng ở mặt bằng giá mới, trong đó có phân bón, xi măng, sắt thép và nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Điều đáng nói là trong số nhiều mặt hàng có những mặt hàng nhà nước có thể điều tiết được như gạo, sắt thép, xi măng, phân bón, nhưng cũng có nhiều mặt hàng giá cả của nó phụ thuộc bởi quy luật cung-cầu. Bài học về “cơn sốt” giá gạo và những biện pháp can thiệp của nhà nước là một ví dụ. Vì vậy để bình ổn giá cả thị trường, chống đầu cơ, tăng giá, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát của nhà nước đòi hỏi các cấp, các ngành có liên quan phải chú trọng, quan tâm trong chỉ đạo, điều hành. Nắm bắt, dự báo phù hợp xu hướng diễn biến của thị trường để có những đối sách kịp thời. Và trong bối cảnh như vậy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước phải được phát huy để điều tiết thị trường.
Khi tình hình kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là việc giá dầu liên tục tăng, nguồn lương thực giảm sút cộng với những hậu quả do thiên tai gây ra có thể giá cả nhiều mặt hàng sẽ còn biến động. Điều này đặt ra cho các cơ quan quản lý phải chủ động, tích cực theo sát diễn biến của thị trường để đề ra các giải pháp hữu hiệu. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh để chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, tăng giá thu lợi bất chính...
Ý kiến ()