
Chó vẫn thả rông
Dư luận xã hội còn chưa hết bức xúc, phẫn nộ trước vụ việc 10 con chó thả rông lao vào cắn bé trai 7 tuổi tại khu vực sân vận động Kim Động cũ thuộc địa bàn thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, khiến bé thiệt mạng, thì mới đây lại thêm một bé trai 7 tuổi, trú tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đang trên đường đi học về cũng bị chó tấn công dẫn đến tử vong. Tiếp đó là một bé 4 tuổi ở tỉnh Hà Tĩnh phải nhập viện trong tình trạng đa vết thương vùng mặt, mắt phải, lóc da đầu do chó cắn.
Có thể thấy, mặc dù đã rất nhiều lần được cảnh báo thế nhưng những câu chuyện đau lòng liên quan đến loài chó tấn công người vẫn liên tiếp xảy ra, khiến người dân không khỏi bức xúc, lo lắng. Nhiều người cho rằng nguyên nhân phần nhiều là do sự chủ quan, thiếu ý thức của người nuôi, cũng như sự không quyết liệt trong thực thi pháp luật của những lực lượng chức năng có liên quan.
Theo thống kê thì ở Việt Nam mỗi năm có tới 400-500 ngàn người bị chó cắn, phải đi điều trị dự phòng. Trong đó, 80-100 người tử vong do lây bệnh dại từ chó mèo. Lượng chó nuôi ở nước ta cũng ở mức lớn lên tới khoảng 5,4 triệu con. Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là chỉ có khoảng 2,1 triệu con (chiếm 39%) được tiêm phòng và chó nuôi thường được thả rông, không rọ mõm. Đây thực sự là mối nguy hiểm đối với người dân mỗi khi ra đường.
Cũng giống như các địa phương trong cả nước, ở Quảng Ninh tình trạng chó thả rông ngoài đường vẫn diễn ra phổ biến ở tất cả khu phố, tổ dân, xóm làng, thôn bản từ thành thị đến nông thôn. Chỉ cần dạo quanh TP Hạ Long một vòng, chúng ta không khó để bắt gặp những con chó không rọ mõm vô tư chạy ngoài đường, trên vỉa hè, ngõ ngách, công viên. Thậm chí có những con còn bất thình lình băng qua đường gây ra không ít những vụ tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông.
Theo Cục Thú y, nguy cơ bệnh dại tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới là khá cao, do nhiều địa phương chưa quản lý tốt đàn chó nuôi, chưa thống kê, không có báo cáo về số hộ nuôi, tổng đàn chó để phục vụ cho công tác tiêm phòng, trong đó Quảng Ninh là tỉnh nằm trong danh sách này.
Cùng với đó, mùa hè năm nay được dự báo có nhiệt độ tăng cao, mức nhiệt trong các đợt nắng nóng nhiều khả năng đạt 39-42 độ C và không loại trừ một số điểm có nhiệt độ cao vượt kỷ lục. Minh chứng là những ngày đầu hè này nắng nóng đã xảy ra ở khắp các miền đất nước với nhiệt độ giữa trưa phổ biến 35-37 độ C, một số nơi trên 38 độ C. Đây cũng là một trong những tác nhân gây phát bệnh dại, cũng như hành động điên cuồng của loài chó.
Để không còn những sự việc đau lòng do chó thả rông gây ra thì điều quan trọng nhất là những người nuôi chó phải tuân thủ nghiêm những quy định đã được ban hành như: Nghị định 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
Những nghị định, thông tư này quy định rất rõ chủ nuôi chó phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã, phường; chó, mèo phải được xích, nhốt hoặc giữ trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Đặc biệt, các xã, phường - nơi được cho là chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, xử lý việc chó thả rông cần thực thi nhiệm vụ một cách nghiêm túc bởi theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì những hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng và trách nhiệm xử lý thuộc cấp xã, phường...
Khi mỗi người nuôi chó còn thiếu ý thức tuân thủ pháp luật thì các lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường thực thi nghiêm nhiệm vụ, có như vậy những sự việc chó thả rông tấn công người mới không còn xảy ra.
Thái Bình
Ý kiến ()