
Chiến lược PCI Quảng Ninh
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút nguồn lực cho phát triển là nhiệm vụ mà tất cả các địa phương đều rất quyết liệt thực hiện trong gần 10 năm qua. Đối với Quảng Ninh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đó là một trong những chiến lược để huy động nguồn lực cho sự phát triển đột phá, hiệu quả và bền vững. Quan điểm này đã là mệnh lệnh cho cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết tâm và quyết liệt để có được kết quả 6 năm liên tiếp (2013-2018) duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Đặc biệt năm 2017, 2018 Quảng Ninh dẫn đầu trong số các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất bằng vị trí quán quân PCI.
Trong bối cảnh tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng quyết tâm, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương mình, Quảng Ninh buộc phải tìm ra được các giải pháp, cách làm riêng, khác từ những sáng kiến cải cách gắn với việc cải thiện môi trường kinh doanh với nâng cao chất lượng quản lý, điều hành. Đó là, tập trung tối đa nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, điện, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, thiết chế sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế. Những công trình như cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… đều là những công trình được thực hiện bằng phương thức đầu tư PPP do Quảng Ninh mạnh dạn triển khai thực hiện đã ghi được điểm số đánh giá rất cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.
Cùng với đó, là cải cách hành chính với phương châm 5 bước tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả) ngay tại các Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã đưa Quảng Ninh trở thành điểm sáng về cải cách hành chính của cả nước. Thông tin giữa doanh nghiệp với chính quyền, giữa doanh nghiệp với người đứng đầu tỉnh, địa phương, sở, ngành được kết nối chặt chẽ, thường xuyên, công khai thông qua các cuộc gặp gỡ, làm việc chính thức, qua mạng xã hội… Vì vậy, trong đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thì tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đang được xếp ở vị trí số 1.
2 năm liên tiếp đứng vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI của cả nước nhưng với Quảng Ninh đó không phải là đích đến để dừng lại. Bởi trong kết quả đạt được rất đáng tự hào đó, vẫn còn có những điểm còn tồn tại, còn cần phải cải thiện, đó là thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính chưa được chủ động cắt giảm từ phía địa phương như: Giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động, phá sản doanh nghiệp. Một số chính sách liên quan đến đất đai, xuất nhập khẩu còn phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan khác nhau, sự phối hợp giữa các sở, ngành trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp còn có độ trễ, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, thủ tục giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, còn nhiều vướng mắc…
Với tổng điểm đạt được năm 2018 là 70,36 điểm, Quảng Ninh nhận thấy dư địa để cải cách vẫn còn quá lớn, những chỉ số tăng điểm, tăng hạng chỉ là sự động viên, khích lệ để tiếp tục nỗ lực và cố gắng hơn nữa. Điều quan trọng là làm thế nào để những chỉ số đó tiếp tục tăng trong những năm tới và những chỉ số giảm hạng, giảm điểm phải được cải thiện một cách triệt để, để trong bản hòa ca mừng thành công PCI hàng năm sẽ luôn là những điểm số vui? Trước mắt năm 2019 để có những cải thiện vượt bậc và bền vững, thì Quảng Ninh sẽ phải nỗ lực hơn, tiếp tục cải thiện mạnh hơn, phải đạt vượt bậc các chỉ số đã từng ở thứ hạng cao nhiều năm và cải thiện những chỉ số giảm điểm trong năm 2018.
Ngọc Lan
Ý kiến ()