
Chiến dịch Hoàng Hoa Thám năm 1951
Giữa những cánh rừng trung du Bắc Bộ, mùa xuân năm 1951 chứng kiến một trong những chiến dịch quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp - Chiến dịch Hoàng Hoa Thám hay còn gọi là Chiến dịch đường số 18. Trong vòng hơn một tháng, quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu, giáng những đòn mạnh vào hệ thống phòng thủ của thực dân Pháp, tạo tiền đề cho những thắng lợi lớn sau này.
Chiến dịch Hoàng Hoa Thám được kéo dài trong hơn 1 tháng (từ tháng 3 đến tháng 4/1951) chủ yếu diễn ra ở khu vực trung du Bắc Bộ, bao gồm các tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh. Tuy nhiên, cũng có tác động và liên quan đến khu vực Uông Bí - Mạo Khê - Tràng Bạch (nay thuộc Quảng Ninh). Khu vực này khi đó nằm trong hệ thống phòng thủ của quân Pháp tại Đông Bắc Bộ, đặc biệt là tuyến công nghiệp than quan trọng với các mỏ lớn như Mạo Khê, Uông Bí.
Trước đó, đầu năm 1951, Trung ương Đảng đồng ý phương án đánh địch tại đường 18, đoạn từ Phả Lại đến Uông Bí theo đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay cho việc tổ chức mặt trận ở Liên khu 3. Lúc này, quân Pháp đồn trú tại tuyến đường 18 có Binh đoàn cơ động Âu - Phi số 6 và quân đội Bảo Đại với 11 tiểu đoàn, 2 đại đội pháo 105mm cùng lực lượng cơ giới khác.
Về phía ta, lực lượng tham gia chiến dịch này có 2 đại đoàn bộ đội chủ lực cùng 2 trung đoàn bộ đội địa phương, với nòng cốt là Tiểu đoàn Bạch Đằng, Đại đội 915 huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) và dân quân du kích các xã Vĩnh Khê, Yên Đức, Yên Thọ (nay là TP Đông Triều), Ninh Thành (nay là TX Quảng Yên).

Với tinh thần “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng”, nhân dân tỉnh Quảng Yên đã dồn sức người, sức của cho chiến dịch. Mặc dù kinh tế còn khó khăn, địch lại kiểm soát ngặt nghèo, nhưng quân dân tỉnh Quảng Yên đã huy động được trên 30.000 dân công, 220 tấn thóc, gạo, phục vụ chiến dịch. Nhiều địa phương đã hoàn thành vượt mức kế hoạch trên giao.
Đêm 23/3/1951, quân ta tổ chức tấn công và nhanh chóng tiêu diệt địch tại 3 vị trí Lọc Nước, Đập Nước, Sống Trâu. Từ thắng lợi này, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tấn công vào thị trấn Uông Bí (nay là TP Uông Bí). Sau đó, quân ta nhanh chóng phá hủy các cầu trên đường 18, chia cắt đường xe lửa và bố trí lực lượng chốt chặn các vị trí trọng yếu để đón đánh những cánh quân tiếp viện của Pháp. Tiếp đó, ta nổ súng đánh địch tại Chấp Khê, tấn công vào Bí Chợ diệt 120 lính Âu - Phi, bắt sống 50 tên khác, thu nhiều vũ khí, khí tài chiến tranh. Các đồn địch ở Phán Huệ, Tràng Bạch cũng bị quân ta tiêu diệt gọn và bắt sống nhiều tù binh cùng vũ khí đạn dược.

Trước tình hình đó, Pháp tăng cường cho căn cứ Đông Triều thêm 2 tiểu đoàn bộ binh và điều 1 tiểu đoàn cơ động Âu - Phi đến chốt giữ Phả Lại. Đêm 4/4/1951, quân ta tấn công một loạt căn cứ địch tại Bến Tắm, Bãi Thảo, Hạ Chiêu, Hoàng Gián, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch rồi lui quân. Sau 2 tuần chiến đấu, quân ta đã đánh hạ 130 tháp canh, đánh tan 3 đồn giặc tại Uông Bí, Mạo Khê, Tràng Bạch. Đặc biệt, quân ta đã phá vỡ một mảng hệ thống phòng ngự kiên cố của Pháp trên đường số 18, 20, 21; tiêu diệt 2.021 tên địch, bắt sống và làm bị thương 1.025 tên địch; thu được 409 súng các loại; phá hủy 49 xe cơ giới, 6 xe tăng và xe bọc thép... Như vậy, mục tiêu của ta đề ra là tiêu diệt sinh lực địch, buộc chúng phải bị động điều quân đối phó đã hoàn thành nên Bộ Chỉ huy ra lệnh kết thúc chiến dịch vào ngày 7/4/1951.
Các nhà sử học đánh giá, đây là một trong 3 chiến dịch quân sự tiến công địch với quy mô lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn 1950-1951. Thắng lợi của chiến dịch không chỉ tiêu hao sinh lực đối phương, mà còn phá tan kế hoạch “chấn chỉnh phòng ngự” của Pháp, đồng thời phát triển mạnh phong trào chiến tranh du kích tại các vùng tạm chiếm trong cả nước. Chiến thắng tại chiến dịch này đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân địa phương, thúc đẩy phong trào du kích và các hoạt động kháng chiến; chứng minh sự trưởng thành vượt bậc, đủ sức và chủ động mở các chiến dịch đánh địch trên mọi mặt trận, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam.

Quân dân tỉnh Quảng Yên đã đóng góp phần xứng đáng vào chiến công chung của chiến dịch, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. Lúc bấy giờ, Quảng Yên là một địa bàn quan trọng vì có vị trí gần Hải Phòng, nơi quân Pháp kiểm soát chặt chẽ. Trong khuôn khổ Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, một số hoạt động phối hợp ở khu vực ven biển Đông Bắc, bao gồm Quảng Yên, đã được triển khai để đánh lạc hướng và gây áp lực lên quân Pháp. Các lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với bộ đội chủ lực tổ chức các trận đánh nhỏ nhằm quấy rối địch, cắt đường tiếp tế và thu hút sự chú ý của quân Pháp khỏi các mặt trận chính ở trung du, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta xây dựng, củng cố lực lượng, tổ chức đánh thắng giặc trên mọi mặt trận, buộc chúng phải co cụm về Điện Biên Phủ phòng thủ, góp phần cho quân dân ta tổ chức tiến công làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Dẫu những người lính từng tham gia Chiến dịch Hoàng Hoa Thám nay đã già yếu hoặc không còn nữa, nhưng những dấu mốc lịch sử đó vẫn luôn được các thế hệ kế tiếp Quảng Ninh gìn giữ, lưu truyền. Tinh thần và bài học từ Chiến dịch Hoàng Hoa Thám năm 1951 vẫn được quân và dân tỉnh Quảng Ninh phát huy theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Ý kiến ()