Chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng
Song bên cạnh đó vẫn còn khoảng 31% người cao tuổi không có khoản trợ cấp thường xuyên nào. Và đáng quan tâm hơn là còn hơn 7.000 người cao tuổi đang sống trong các gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn.
Chăm sóc, kính trọng người cao tuổi là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong nhiều năm qua với sự đổi mới, phát triển của toàn xã hội, đặc biệt là những thành tựu về kinh tế nên đời sống nói chung của người dân đã được nâng cao đáng kể. Trong số đó nhiều người cao tuổi đã được người thân, gia đình, xã hội quan tâm hơn về đời sống vật chất và tinh thần. Thông qua tổ chức Hội Người cao tuổi ở các cấp, người cao tuổi đã được giao lưu, sinh hoạt với nhiều nội dung thiết thực phù hợp với sức khoẻ, tâm sinh lý tuổi già. Từ đó giúp họ sống khoẻ, sống vui, sống có ích; tích cực tham gia công tác xã hội, làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những người cao tuổi được chăm sóc tốt, chu đáo vẫn còn một số lượng không nhỏ người cao tuổi, nhất là những người sống trong các gia đình nghèo, những người bị bệnh tật, ốm yếu, không nơi nương tựa... gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí trong nhiều gia đình người cao tuổi còn bị con cháu đối xử không tốt, bạc đãi, coi là gánh nặng v.v.. Người cao tuổi thường có tâm lý tự ti, tính cách dễ thay đổi nên con cháu, người thân nếu không am hiểu sẽ dễ xa cách dẫn đến họ càng rơi vào cô đơn.
Để chăm sóc người cao tuổi tốt hơn, Quảng Ninh đã xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi khó khăn tại nhà dựa vào các tình nguyện viên, được áp dụng thí điểm tại Đông Triều và bước đầu đã cho kết quả tốt. Các tình nguyện viên phần lớn đều là người cao tuổi, có nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều rất nhiệt tình trong việc chăm sóc, giúp đỡ những người cao tuổi khó khăn như sửa chữa nhà cửa, quyên góp mua đồ dùng sinh hoạt, hay thuyết phục vận động con cháu quan tâm chăm sóc người cao tuổi trong gia đình... Thực tế cho thấy đây là một mô hình hay, hữu ích, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển của xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đến nay mô hình mới chỉ được tổ chức ở 3 xã thuộc Đông Triều. Với ý nghĩa thiết thực của mô hình, thiết nghĩ các cấp Hội Người cao tuổi cần phối hợp với chính quyền địa phương để nhân rộng trong toàn tỉnh...
Ý kiến ()