“Cầm vàng chớ để vàng rơi”
Nhìn rộng hơn, thế kỷ mới được nhìn nhận là giai đoạn bùng nổ của sáng tạo trí tuệ. Là thời đại định hình và hoàn thiện của các nền kinh tế dựa trên tri thức, trong đó vấn đề sở hữu trí tuệ lại càng trở nên quan trọng. Với vai trò và ý nghĩa đó, năm 1999, tại cuộc họp lần thứ 26 Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã quyết định lấy ngày 26 tháng 4 hàng năm là “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Theo đó, mỗi năm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đều có một chủ đề riêng xoay quanh hoạt động sáng tạo và đổi mới. Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Thiết kế tương lai”.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 7.000 doanh nghiệp. Song, đáng tiếc là chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho trên 500 đối tượng sở hữu trí tuệ. Như vậy, chưa đến 1/10 trong tổng số doanh nghiệp của tỉnh biết nắm giữ “vàng” của chính mình. Theo ông Đinh Sỹ Nguyên, Trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN) cho biết, trong số các doanh nghiệp đã tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ có đến 90% là đơn vị sản xuất hàng hóa vật chất, tỷ lệ ít ỏi còn lại là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Điều này cho thấy, dịch vụ - một lĩnh vực được xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế Quảng Ninh đang cầm “vàng” trong tay mà không biết.
Còn nhớ câu chuyện “đồ hộp Hạ Long” có xuất xứ từ Hải Phòng. Đã có rất nhiều người nhầm tưởng nơi sản xuất từ Hạ Long bởi tên gọi của nó. Nhãn hiệu này đã được đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Và như vậy, trong tương lai, lĩnh vực sản xuất đồ hộp ở Quảng Ninh đã bị mất một nhãn hiệu.
Chính vì vậy, rất cần một sự đi trước đối với việc tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ.
Ý kiến ()