"Cái uy" của nhà báo
Hồi mới vào nghề, tôi thường nghe các nhà báo đàn anh bảo rằng, muốn làm báo tốt thì phải tạo dựng được cho mình “cái uy” của nhà báo. Một nhà báo mà không “có uy”, không được nhiều người tin tưởng, nể phục thì đi đâu, làm gì cũng khó! Càng ngẫm càng thấy đúng!
Nhưng vấn đề là “cái uy” của nhà báo đích thực là như thế nào? Và làm sao để có nó? Đây lại là chuyện đáng bàn!
Một nhà báo mà tôi quen biết là người rất xông xáo, năng nổ. Thế nhưng cứ mở miệng là tôi thấy anh doạ sẽ “đánh” công ty này, doanh nghiệp nọ; thậm chí còn cho “thằng ấy” biết tay! (Cái “thằng ấy” mà anh nói đến có khi là một đơn vị nào đó, cũng có khi là một cán bộ đương chức nào đó có những việc làm khuất tất v.v..). Của đáng tội, cũng không ít lần anh doạ dẫm và người ta sợ thật, nên anh lại càng tin rằng mình đã tạo ra được “cái uy” của nhà báo!
Ngược lại với lối dùng “đòn gió” như thế, có nhà báo trong các bài viết lại rất thích “dạy dỗ”, “chỉ đạo”, kiểu như cần phải thế này, cần phải thế nọ v.v.. Thế nhưng đọc kỹ, thấy đó chỉ là sự “xào lại” những nội dung đã được đề cập trong các văn bản, báo cáo, hoặc là ý kiến phát biểu của một cán bộ lãnh đạo chủ chốt nào đó tại một hội nghị nào đó v.v.. mà thôi! Nguy hại nhất là những bài báo “mang tính chỉ đạo” này thường là không sai, không trái quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, nó chỉ khiến người ta nhàm chán mà thôi! Vì thế, thường là bạn đọc “cho qua”, không mấy khi phản ứng, chỉ trích… Từ đó, những nhà báo “thích chỉ đạo” lại càng ngộ nhận là mình “có uy”…
Dẫn ra đây hai trường hợp trên là để thấy, đôi khi “cái uy” của nhà báo chỉ là sự ngộ nhận. Đó không phải là uy tín đích thực, nó được tạo dựng một cách không thực chất và vì thế cũng chỉ nhất thời, không mang tính bền vững. Nhưng tai hại là ở chỗ một khi nhà báo ngộ nhận uy quyền của mình cũng chính là lúc họ tự đánh mất mình, đánh mất cái uy quyền đích thực mà người làm báo chỉ có thể có khi nó được xây dựng trên cơ sở bản lĩnh nghề nghiệp, sự trau dồi năng lực nghiệp vụ và trên hết là từ cái tâm trong sáng...
Trung Luận
Ý kiến ()