Bước ngoặt của xúc tiến đầu tư
Hai năm trở lại đây, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, do đó, bài toán vừa đảm bảo phát triển nhanh, mạnh đi đôi với tăng trưởng bền vững thực sự là thách thức của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Và đâu sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển trong giai đoạn này?
Nhìn vào thực tế của Quảng Ninh ở giai đoạn trước cho thấy nguồn lực chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên hữu hạn. Năm 2011, thu ngân sách địa phương từ than và đất chiếm 77% tổng thu ngân sách. Nhà đầu tư lớn nhất của tỉnh là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản với tổng vốn đầu tư cho sản xuất than vài chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong 10 năm 2001-2010, bình quân vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong khi tỷ lệ này của cả nước khoảng 25%.
Thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đặt ra cho tỉnh những yêu cầu mới, bức thiết về nguồn lực đầu tư. Theo đó, cùng với các nhiệm vụ chính trị lớn, Quảng Ninh xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá, then chốt. Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô quốc gia được tỉnh tổ chức năm 2012 vừa là sự khẳng định cho mục tiêu nói trên đồng thời cũng là thông điệp mới của tỉnh nhằm “hội tụ” các nhà đầu tư lớn, tiềm lực trong và ngoài nước trên mảnh đất được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”.
Trong rất nhiều kết quả quan trọng đạt được từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2012, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể nói “tăng vọt”, bổ sung quan trọng cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cụ thể, giai đoạn 2012-2013, đạt khoảng 1,5 tỷ USD; chiếm 78% tổng vốn đăng ký và 22,8% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD chiếm 41,8% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, năm 2013, khối doanh nghiệp FDI đóng góp ngân sách gần 3.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Hơn hai năm qua, các doanh nghiệp FDI đã tạo gần 5.000 việc làm mới và có tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH. Không chỉ vậy, sự quan tâm, hiện diện của các Tập đoàn, nhà đầu tư lớn có uy tín, thương hiệu trên thế giới đã góp phần định vị Quảng Ninh - một điểm đến tiềm năng, giàu triển vọng hợp tác.
Chắc chắn, để có được những con số như trên là cả một hành trình chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức tới hành động và sự vào cuộc tích cực trên tinh thần chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, cho tới từng người dân. Đây là nền tảng cần thiết để tháo gỡ những “nút thắt” và mạnh dạn, sáng tạo trong thực hiện các mô hình mới, cách làm mới, chuyên nghiệp, bài bản với đích tiến là hiệu quả tối ưu. Và, không bằng lòng với những gì đã đạt được, tỉnh xác định vẫn rất cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trên hành trình “hội tụ trí tuệ, lan toả lợi ích” mà Hội nghị “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Ninh” được tổ chức vào ngày 28-6 chính là thông điệp cho mục tiêu này.
Ngọc Lê
Ý kiến ()