Bữa cơm gia đình
Khẩu hiệu mà Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chọn làm chủ đề cho ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm nay là: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Chủ đề này cũng có thể coi là một “điểm nhấn” trong nội dung truyền thông về công tác gia đình năm 2014; đó là: “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”...
Điều này chứng tỏ, gia đình - với tư cách là một tế bào xã hội, đã và đang ngày càng được nhìn nhận một cách toàn diện và đầy đủ hơn, đúng như vai trò, tầm quan trọng vốn có của nó trong việc xây dựng và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc hiện nay. Không những thế, nó còn cho thấy, cuộc sống hiện đại đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm trong công tác gia đình; nhiều giá trị văn hoá truyền thống, “văn hoá gốc” liên quan đến các “tế bào xã hội” tưởng như rất bình thường, giản dị, vẫn diễn ra thường nhật, cần phải được trân trọng và phát huy. Cụ thể ở đây là bữa cơm gia đình mà ở đó các thành viên trong gia đình sum họp bên nhau trong không khí đầm ấm, yêu thương. Chính cái không khí sum vầy ấy là yếu tố đầu tiên tạo sự gắn kết của mỗi gia đình, nó là mảnh đất “gieo mầm” nhân cách cho mỗi con người. Cha ông ta từng có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon...”. Bữa cơm gia đình đầm ấm chính là nét đẹp văn hoá của người Việt. Tiếc thay, trong cuộc sống hiện đại gấp gáp hiện nay, cái nét đẹp văn hoá truyền thống ấy đang bị mai một dần, sự gắn kết giữa các thành viên trong mỗi “tế bào xã hội” đang bị lỏng lẻo dần... Điều này thực ra không phải đến bây giờ mới được nói đến; tuy nhiên, vì nhiều lý do, nó vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Và việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chọn chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” cho ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm nay là rất có ý nghĩa thiết thực.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa cứ phải áp đặt một cách máy móc truyền thống của cha ông vào cuộc sống hiện tại. Ngày nay, không phải với bất cứ gia đình nào, với bất cứ ai cũng có điều kiện để tổ chức những bữa cơm gia đình thường nhật. Vấn đề là ở chỗ, càng trong thời hiện đại, khi cuộc sống đang có xu hướng làm “lỏng lẻo hoá” sự gắn kết trong mỗi gia đình, thì càng cần phải trân trọng những giây phút sum họp gia đình. Đó là điều kiện hết sức quan trọng để những giá trị văn hoá truyền thống vô giá của gia đình, như đạo lý “trên kính dưới nhường”, “nghĩa vợ, tình chồng”, “anh em như chân với tay” v.v.. được gìn giữ, phát huy. Hay nói cách khác, biết quý, biết trân trọng những phút giây sum họp gia đình cũng chính là để nuôi ngọn lửa sưởi ấm hạnh phúc gia đình. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong thời đại ngày nay!
Trung Luận
Ý kiến ()