Bình đẳng giữa công lập và dân lập
Tại hội nghị này nhiều khó khăn, bất cập cần sớm được giải quyết đã được các trường phản ánh tới lãnh đạo ngành GD-ĐT. Cụ thể là nhận thức của xã hội về hệ thống trường ngoài công lập còn hạn chế (coi nhẹ, chưa đánh giá cao); chất lượng học sinh đầu vào thấp; giáo viên chưa được đãi ngộ như ở các trường công lập; mức học phí thu không đủ chi v.v..
Từ thực trạng những khó khăn, vướng mắc đó, để tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập nâng cao chất lượng giáo dục, có sự cạnh tranh lành mạnh với các trường công lập, lãnh đạo các trường ngoài công lập kiến nghị với Sở GD-ĐT và các cơ quan chức năng của tỉnh cần có cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho hệ thống trường THPT ngoài công lập. Chẳng hạn như cân đối chỉ tiêu tuyển sinh, vùng tuyển của các trường công lập, Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên để tạo nguồn tuyển có chất lượng cho các trường ngoài công lập; cho phép các trường chủ động tính toán, xây dựng mức học phí mới; có cơ chế chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường ngoài công lập; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị dạy học và có chế độ đãi ngộ, khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn...
Thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, từ năm 1999 đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 20 trường THPT ngoài công lập được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động (chiếm 37,04% tổng số trường THPT của tỉnh). Trong những năm qua các trường này đã thu hút được gần 15 ngàn học sinh theo học. Các trường đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc đầu tư cơ sở vật chất; phương tiện dạy học và tuyển chọn đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, kết quả, chất lượng giáo dục của các trường ngoài công lập nhìn chung chưa cao; hoạt động của một số trường hiện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này như đã nói ở phần trên.
Hệ thống các trường THPT ngoài công lập được xây dựng và đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ vào việc giảm áp lực tuyển sinh cho các trường công lập, tạo cơ hội cho nhiều học sinh được tiếp tục theo học bậc THPT, giảm gánh nặng về đầu tư cho ngân sách. Đồng thời còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các trường ngoài công lập và công lập trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Với những đóng góp tích cực đó, các trường ngoài công lập cần được quan tâm, đối xử bình đẳng như các trường công lập - nơi có nhiều lợi thế hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà nước, các trường ngoài công lập cũng phải chủ động tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên để khẳng định thương hiệu của trường mình. Xã hội hiện nay rất công bằng, trường nào có chất lượng giáo dục tốt, cơ sở vật chất khang trang sẽ được người dân lựa chọn để gửi gắm con em mình mà không hề có sự phân biệt trường công lập hay dân lập...
Ý kiến ()