Bất ngờ và lo ngại
Sự lo ngại này cũng xuất phát từ ba điểm:
Trước hết là tăng giá vào giữa lúc lạm phát ở Việt Nam đang khá cao. Năm 2007 đã tăng tới 12,63% chẳng khác chi một mức thuế lạm phát. Năm 2008, tháng 1 khởi đầu đã tăng tới 2,38%, tháng 2 có Tết Nguyên đán giá tăng còn cao hơn, hiện Tổng cục Thống kê chưa công bố nhưng tác giả bài này dự đoán sẽ không dưới 3%. Tạm tính tháng 2 tăng 3%, thì tính chung 15 tháng qua tăng 17,61%, bình quân một tháng tăng 1,06%; nếu tính riêng 4 tháng qua (tính từ tháng 11.2007 đến tháng 2.2008) thì giá đã tăng tới trên 9,85%, bình quân một tháng tăng tới 2,38%; riêng hai tháng đầu năm 2008 tăng trên 5,45%, chiếm tới gần 2/3 tốc độ tăng giá theo mục tiêu đề ra cho cả năm.
Đáng lưu ý, tốc độ tăng giá tính theo năm (bình quân so với cùng kỳ năm trước) của tháng 1 đã lên đến 14,11%, cao hơn nhiều tốc độ tương ứng của các tháng trước; khả năng tháng 2 còn cao hơn nữa; nói cách khác, vừa tăng hai chữ số, vừa có xu hướng cao lên và chắc chắn cả năm nay tính theo cách bình quân năm sẽ cao hơn cách tính lấy tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước. Ấy thế mà khi lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng vừa tăng lên, nơi cao nhất mới khoảng 1,16% mà nhiều người, kể cả một số chuyên gia đã làm ầm lên là "siêu lãi suất" (thực ra lãi suất vẫn còn thực âm).
Ngày 22.1.2007 chủ yếu do giá xăng dầu tăng (mặc dù còn thấp hơn mức tăng kỳ này) mà giá tháng 12.2007 đã "lồng" lên 2,91% cao hơn 2,4% so với tốc độ tăng của tháng 12 năm trước. Theo thống kê kinh nghiệm, giá tiêu dùng tháng 3 thường giảm (tháng 3.2006 giảm 0,5%, tháng 3.2007 giảm 0,22%) nhưng tháng 3 năm nay sẽ không những không giảm mà có thể còn tăng cao (theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, với mức tăng giá xăng dầu lần này, giá tiêu dùng sẽ tăng 0,4-0,5%). Một số chuyên gia cho rằng việc tăng giá xăng dầu kỳ này chẳng khác gì cho thêm dầu vào lửa lạm phát.
Điểm thứ hai, Chính phủ có chủ trương kiềm chế lạm phát, coi việc kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hiện nay; Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ hiếm thấy và hiện có nhiều ý kiến chưa đồng thuận nếu nay lại tăng giá xăng dầu thì nghịch lý càng trở nên rõ ràng. Có chuyên gia đã coi việc tăng giá xăng dầu vào lúc này và biện pháp siết chặt tiền tệ để chống lạm phát của Ngân hàng Nhà nước chẳng khác gì việc "đánh bùn sang ao".
Một điểm cần lưu ý nữa là, các đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu trong cơ chế thị trường nhưng còn mang tính độc quyền (tuy có một số doanh nghiệp nhưng lại toàn là doanh nghiệp nhà nước); hơn nữa lại mang tính ăn đong, không có nguồn dự trữ hay mua kỳ hạn. Phải chăng cứ giá nhập tăng thì giá bán cũng tăng, nếu lỗ thì hoặc là Nhà nước bù, hoặc là Nhà nước sẽ cho tăng giá. Đã có ý kiến cho rằng Nhà nước đã "nuông chiều" doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu quá! Cứ với cách làm này thì giá xăng dầu sẽ còn tăng (với kỳ hạn ngắn hơn không phải là 3 tháng như vừa qua, mỗi lần tăng không phải là 1.000 hay 1.500 đồng/lít mà sẽ lại cao hơn lần trước).
Ý kiến ()